Sự kiện hot
7 năm trước

Huawei: Hãng công nghệ liên tục dính cáo buộc là 'gián điệp cho Trung Quốc'

Công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc không ít lần bị nghi ngờ dính líu tới hoạt động gián điệp và bị nhiều quốc gia "tẩy chay".

 Mới đây, hãng tin Reuters cho biết, kế hoạch hợp tác với nhà mạng di động hàng đầu của Mỹ là AT&T của hãng công nghệ điện tử Huawei để bán điện thoại thông minh tại Mỹ đã sụp đổ vào phút chót vì những lo ngại về an ninh. Sự kiện đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng thị trường ra toàn cầu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc.

Theo Reuters, AT&T bị buộc phải hủy bỏ hợp đồng với Huawei sau khi các thành viên của Ủy ban tình báo của lưỡng viện Quốc hội Mỹ gửi một lá thư tới Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) trong ngày 20/12/2017, bày tỏ mối quan ngại về ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc đối với ngành công nghiệp viễn thông Mỹ.

Bức thư cũng thể hiện mối quan tâm của các nhà lập pháp Mỹ về điều mà họ gọi là "gián điệp Trung Quốc nói chung và vai trò của Huawei trong các phi vụ gián điệp đặc biệt".

Ông Richard Yu, Giám đốc điều hành Huawei Consumer BG trong buổi thuyết trình về mẫu điện thoại Huawei P10. Ảnh: Reuters

Huawei dự kiến chuẩn bị ra mắt dòng điện thoại cao cấp nhất Huawei Mate 10 Pro cùng với AT&T vào tháng 3 tới đây.

Huawei cho biết trong một tuyên bố vào ngày 8/1 rằng chiếc điện thoại thông minh hàng đầu của hãng, Mate 10 Pro-Huawei, mẫu điện thoại được cho là đối thủ thách thức iPhone, sẽ chỉ được bán ở Mỹ thông qua các kênh mở. 

Trong bài phát biểu tại diễn đàn công nghệ CES, Giám đốc điều hành của Huawei, Richard Yu khẳng định rằng những sản phẩm của Huawei luôn đáp ứng được yêu cầu về tính bảo mật và quyền riêng tư của khách hàng. Ông cũng cho rằng việc tự ý rút lui của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ là một mất mát lớn đối với người dân Mỹ khi họ sẽ mất đi một sự lựa chọn hoàn hảo.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần qua giới doanh nghiệp Trung Quốc thất bại trong đàm phán đầu tư với Mỹ.

Trước Huawei, Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ cũng đã bác bỏ ý định thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram của doanh nghiệp Trung Quốc Ant Financial với lý do liên quan tới những vấn đề an ninh quốc gia.

Ant Financial công ty tài chính thuộc tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, cũng là chủ sở hữu báo SCMP. 

Giới chức thương mại Mỹ tỏ ra khá sốt ruột trước sự việc. Họ cho biết nếu các động thái tương tự còn tiếp diễn, Bắc Kinh sẽ cân nhắc "các biện pháp trả đũa" với Washington.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên, Huawei bị nghi là gián điệp cho Trung Quốc.

Hồi giữa tháng 7/2013, tờ Australian Finacial Review dẫn lời cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden cho biết, theo "đánh giá chuyên môn" của ông thì tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc Huawei đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc "các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài", hoặc ít nhất cũng phải là những chi tiết về "các hệ thống viễn thông ngoại quốc mà tập đoàn này có liên quan".

Ông Hayden thậm chí còn khẳng định: "Tôi nghĩ đó là sự thật" và rằng tình báo phương Tây có bằng chứng về những hoạt động bí mật này của Huawei.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao phương Tây đưa ra lời cáo buộc công khai, trực diện về nghi vấn Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, đã có một số quan chức Mỹ đã cảnh báo gián tiếp về những mối nguy hại mà tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc này gây ra với an ninh quốc gia Mỹ.

Trước những mối đe dọa này, hàng loạt quốc gia đã “tẩy chay” những sản phẩm, thiết bị của Huawei cũng như sự tham gia của nó vào các dự án quốc gia.

Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ năm 2012 cũng đã ngăn chặn việc Huawei mua lại công ty máy tính Mỹ 3Leaf Systems sau những cảnh báo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ rằng chính phủ và các công ty Mỹ không mua thiết bị do Huawei sản xuất, ngăn chặn mọi hợp đồng mua bán, sáp nhập của Huawei tại Mỹ.

Về phần mình, năm 2011, chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống Băng thông Rộng Quốc gia Úc (NBN) và thông báo tới công ty viễn thông này việc sẽ ngăn chặn nó tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD.

Sau 1 năm tham vấn cơ quan Tình báo Úc, chính phủ Úc đã chính thức ra lệnh cấm tham dự đối với Huawei. Thủ tướng Úc khi đó là bà Julia Gillard khẳng định “đây là một biện pháp phòng ngừa” nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc.

Tháng 10/2012, trong tuyên bố về việc xây dựng mạng thông tin siêu bảo mật của chính phủ Canada, ông Andrew MacDougall, phát ngôn viên của Thủ tướng Stephen Harper cho biết: "Chính phủ sẽ quyết định cẩn trọng... Đây là một ngoại lệ về an ninh quốc gia nên không vi phạm nghĩa vụ thương mại quốc tế". Điều này đồng nghĩa với việc loại Huawei bị loại ra khỏi danh sách những đối tác của dự án.

Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, Huawei đã trở thành nguồn cung cấp chính yếu hạ tầng viễn thông cho hầu hết các nhà mạng trong nước như VNPT, Viettel,...

Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4.2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.

Thông tin từ hãng theo dõi thị trường di động toàn cầu Canalys cho biết Huawei hiện là hãng điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Samsung Electronics và Apple. Tính đến tháng 6/2017, Huawei chiếm 14% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu. Hãng muốn trở thành thương hiệu số 2 tại Việt Nam vào năm 2020.

Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: