Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư.
Nửa nhiệm kỳ qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Một số mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất được nhân rộng, góp phần giảm nghèo bền vững.
Là xã vùng bán sơn địa có diện tích đất vườn đất đồi rộng lớn, nhiều hộ dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn, thả đồi. Tận dụng thế mạnh này đã giúp nhiều nông dân vươn thoát nghèo, làm giàu, nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương
Gia đình anh Nguyễn Đình Chung xóm 1 xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phát triển kinh tế từ việc lập gia trại ven đồi đầu tư chăn nuôi gà. Qua 1 thời gian nuôi gà theo mô hình công nghiệp anh nhận thấy chất lượng thịt không ngon, khó tiêu thụ. Năm 2019 anh Nguyễn Đình Chung chuyển hướng sang nuôi gà thả vườn. Sau 5 năm, mô hình nuôi gà thả vườn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh Nguyễn Đình Chung, xóm 1 xã Hưng Yên Nam cho biết: Tổng đàn gà của anh hiện có trên 3.000 con gà Ri gần xuất chuồng. Mỗi năm trung bình anh nuôi 6 -7 lứa. Mỗi lứa từ 2000-3000 nghìn con; cứ 3 đến 4 tháng gà đạt cân nặng nặng 1,7 - 2kg. Với mức giá ổn định từ 85-100 nghìn đồng/1kg. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh lãi ròng 100- 200 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2021- 2025. Nửa nhiệm kỳ qua, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của người nghèo. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 1.038 lượt người là cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo cấp xã; bí thư, xóm, khối trưởng, đại diện chi hội đoàn thể ở cấp khối, xóm.
Qua 2,5 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng vốn giao: 9.936,67 triệu đồng và huy động nguồn lực khác được gần 3,181 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ huyện Hưng Nguyên đã thực hiện vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 63 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 3.074 triệu đồng.Trong 3 năm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, huyện Hưng Nguyên đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo từ 2.28% năm 2021 giảm còn 1,87% năm 2022, kế hoạch năm 2023 giảm còn 1,57%. Các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, học sinh nghèo được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt công chính sách ưu đãi cho hộ nghèo. Tính đến hết tháng 10 năm 2022, đã có 579 lượt hộ nghèo được vay ưu đãi, với số tiền 48,752 tỷ đồng ; Công tác mua, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo được triển khai thực đầy đủ, đúng đối tượng: Toàn huyện đã hỗ trợ, cấp phát 3.597 lượt thẻ BHYT cho người nghèo và người cận nghèo. Đảm bảo 100% người nghèo được hỗ trợ BHYT hàng năm. Triển khai thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, trong năm 2022 toàn huyện đã hỗ trợ cho 3.256 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với số tiền 528 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2023 đã hỗ trợ cho 1.932 lượt với số tiền 311 triệu đồng.
Cùng với đó, UBND huyện Hưng Nguyên cũng thực hiện tốt kết quả Các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình như: Dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá các chương trình. Và các tiểu dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ việc làm bền vững; Giảm nghèo thông tin; Truyền thông giảm nghèo đa chiều; Nâng cao năng lực thực hiện chương trình.
Hiện nay, huyện Hưng Nguyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo học tập quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/07/2021 của Quốc hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện và nhân rộng các phong trào, mô hình giảm nghèo hiệu quả về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới và đa dạng công tác tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của từng nhóm đối tượng trên địa bàn; ưu tiên hình thức tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại cơ sở. Nâng cao chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau”.
Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả.
Thành công lớn nhất của công tác giảm nghèo chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Đặc biệt huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến Nhân dân, nhất là người nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung. Qua đó khích lệ ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo; hướng dẫn bà con sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhật Hào
Theo KT&ĐU