Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Hương Sơn - Hà Tĩnh: Nguy cơ mất đất sản xuất chè do sạt lở

Tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đang đe dọa trực tiếp đến hàng chục hộ dân trồng chè ven sông Ngàn Phố. Hơn 2.500m² đất trồng chè đã bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến 50 hộ dân và khiến nhiều gia đình lo ngại mất tư liệu sản xuất.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất đang diễn ra nghiêm trọng tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là tại các khu vực ven sông Ngàn Phố, nơi tập trung sản xuất chè công nghiệp của người dân. Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, diện tích đất trồng chè của nhiều hộ dân tại đây đã bị sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của bà con.

Diện tích chè của người dân bị sạt lở nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2, cho biết: "Do ảnh hưởng của mưa lũ từ bão số 3 và số 4, diện tích chè ở khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa thuộc thôn Tiền Phong đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng chiều dài đoạn sạt lở lên đến 600m, chiều rộng 4m, ảnh hưởng đến khoảng 2.500m² đất trồng chè."

Một diện tích chè lớn bị chìm trong biển nước

Ông Phong cũng chia sẻ thêm, diện tích chè bị ảnh hưởng đã được người dân trồng và thu hoạch suốt 10 năm qua. Vụ sạt lở đã gây thiệt hại lớn cho 50 hộ gia đình tại xã, đe dọa đến nguồn thu nhập chính của họ.

Hiện nay, diện tích trồng chè công nghiệp của xã Sơn Kim 2 là khoảng 93ha, do 97 hộ dân quản lý và khai thác. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đất bờ sông Ngàn Phố đang làm diện tích đất sản xuất này dần bị thu hẹp, gây lo ngại lớn về sự ổn định của nền kinh tế địa phương.

Diện tích chè ở khu vực Đượng Dâu và Đượng Cựa thuộc thôn Tiền Phong đã bị sạt lở nghiêm trọng

Theo ông Phong, sạt lở không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn gây nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân sống gần khu vực này. "Chúng tôi đang khẩn trương báo cáo cấp trên và đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời nhằm bảo vệ tư liệu sản xuất và đời sống của người dân," ông Phong nói thêm.

Đây được xem là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây

Mặc dù chính quyền và người dân địa phương đã có đề xuất với huyện có dự án làm kè chống sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án thực hiện. Còn địa phương nhiều nỗ lực để gia cố, ngăn chặn tình trạng sạt lở, trồng tre che chắn nhưng ảnh hưởng từ thiên tai và sự biến đổi khí hậu đã khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Người dân xã Sơn Kim 2 đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để có thể khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống sau các đợt thiên tai.

Tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ là vấn đề riêng của xã Sơn Kim 2 mà còn là mối quan ngại chung của nhiều khu vực ven sông tại Hà Tĩnh. Việc tìm kiếm các giải pháp lâu dài và bền vững để giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai và bảo vệ đất sản xuất đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: