Sự kiện hot
8 năm trước

Huy động vàng trong nền kinh tế tạo cho thị trường tâm lý bất ổn

Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Bước sang năm 2017, đặc biệt là trong Quý I, nền kinh tế chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Suy giảm tăng trưởng đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp, trong đó bao gồm cả công nghiêp ̣ khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vẫn nhận định, kinh tế năm Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong việc điều hành chính sách, khởi động cải cách hành chính, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những yếu tố này dự kiến sẽ làm nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2017.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trí thức trẻ.

Viện trưởng VEPR - TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể không mang lại kết quả mong muốn.

“Chính phủ cần tập trung vào nâng cấp hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động; cải cách thể chế và hành chính nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh; tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước để lành mạnh hóa nền kinh tế thị trường”, TS. Nguyễn Đức Thành đề cập.

Bên cạnh đó, việc tự cải cách bộ máy Nhà nước và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả chi phí quản trị nhà nước là nhiệm vụ không thể né tránh hay trì hoãn, vì thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ là nguồn gây bất ổn kinh tế-xã hội sâu xa trong tương lai.

Do vậy, trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên cao nhất cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Điều này cũng không nằm ngoài mục tiêu dài hạn là xây dựng một Chính phủ kiến tạo.

Đặc biệt, điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến chế tạo. Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Cho nên theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, những nỗ lực của Chính phủ được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi quyết tâm này. Thậm chí, nhiều dự thảo văn bản pháp quy mới mong muốn có tinh thần “cởi trói”, nhưng vô hình trung lại có khuynh hướng trao nhiều quyền lực cho cấp Bộ hơn, và do đó tạo ra nhiều giấy phép con hơn.

“Đây là một nghịch lý mà Chính phủ cần sát sao lưu ý trong quá trình cải cách hành chính. Trên thực tế, thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ trong việc thực thi những cam kết của mình một cách khả thi và hiệu quả”, TS. Nguyễn Đức Thành chỉ rõ.

Thời gian qua, kiểm soát chi ngân sách vẫn là một thách thứ dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt và tiếp tục đầu tư phát triển dẫn đến mức nợ công ngày càng tăng cao.

Do vậy, phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành cho thấy, Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm khắc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên cũng như những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể.

Đối với cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các DNNN. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, về dài han, Chính phủ cũng như Bô ̣Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lơị ích trong dài hạn.

Đồng thời khuyến nghị Nhà nước thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại nhà nước. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn NSNN, đồng thời điều kiện cho các ngân hàng thương mại này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động.

Riêng về ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành nêu rõ, điều này đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra. Về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.

“Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Nguyễn Quỳnh
Theo VOV

Từ khóa: