Sự kiện hot
8 năm trước

Huyện Ba Vì (TP. Hà Nội): Chính quyền “bất lực” với nạn khai thác tài nguyên?

Những khối đất bãi bồi ven sông, là nền của chân đê dọc Sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn xã Phú Cường, huyện Ba Vì (Hà Nội) kéo dài 3km, đang bị người dân hàng ngày khai thác làm “trắng chân đê”, khiến nguy hiểm rình rập khi mùa mưa bão đang tới gần.

 Những nỗ lực của chính quyền địa phương “vấp” phải cái khó trong việc xử lý sai phạm, vì toàn là hàng xóm và người quen, còn lãnh đạo huyện thì không nắm được, vậy thử hỏi đến khi nào “máu tài nguyên nơi đây ngừng chảy…?

“Chảy máu tài nguyên” đe dọa khi mùa mưa bão tới gần

Tiếp nhận thông tin của người dân sinh sống trên địa bàn thôn Phú Thịnh (Xã Phú Cường) về tình trạng khai thác đất, cát trái phép để lấp ao hồ, chính quyền địa phương thì “bất lực” trong công tác quản lý. Phóng viên đã kịp có mặt tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng khu vực thôn Phú Thịnh để ghi nhận tình hình thực tế.

Tại đây, giữa ban ngày, nhưng những chiếc máy múc vẫn ngang nhiên hoạt động và không hề thấy có bất cứ sự can thiệp nào từ phía cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương?

Hàng chục nghìn mét khối đất đã bị những chiếc máy múc đưa lên xe ô tô, công nông đầu kéo di chuyển đến nơi san lấp, để lại những vũng, ao lớn làm trắng khu vực chân đê, khiến người dân lo lắng.

“Trung bình mỗi ngày có cả trăm lượt xe chuyên chở đất ra vào khu vực chân đê, họ còn làm luôn cả con đường lớn từ trên đê xuống để tiện cho xe đi lại để vận chuyển đất. Chú nhìn thấy đấy họ đào bới xong là để lại những cái hố sâu.

Đất, cát bị khai thác làm lộ trắng chân đê

Cứ thế này thì chẳng mấy mà cái bãi này biến mất, tài nguyên của quốc gia mà họ cứ đào bới mang đi bán lấy tiền, trung bình mỗi xe là hàng trăm nghìn, mà không biết tiền này có nộp về nhà nước không hay lại chia nhau? Mùa mưa bão thì đang đến gần mà cứ tình trạng như thế này thì nguy hiểm lắm các chú ạ!” Một người dân địa phương bức xúc.

Việc để xảy ra tình trạng khai thác đất, cát không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và bụi bẩn, mà đây còn là mối nguy hiểm cận kề rình rập người dân bất cứ lúc nào nhất là vào mùa mưa bão đang tới gần. Cũng theo những người dân địa phương thì thực trạng này diễn ra đã từ nhiều năm nay, nhưng vì không bị xử lý dứt điểm nên nó trở thành “làn sóng”, kiểu người này làm được thì người kia cũng làm được. Chính công tác quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân khiến nạn khai thác đất, cát bùng phát ở đây, đặc biệt là khi giá cát đang lên cao đến gấp đôi so với trước.

Nhập nhèm trong công tác quản lý?

Qua trao đổi với ông Lã Văn Loan (Chủ tịch UBND xã Phú Cường) được biết: Trên địa bàn xã có một số hộ được giao thầu đất chân đê, chân sông để họ bảo vệ đê. Hiện tượng khai thác đất, cát trên địa bàn là có thật, hiện chúng tôi đã có lập biên bản xử lý và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Nhưng để xử lý dứt điểm thì quả là rất khó, vì cũng là do xuất phát từ nhu cầu sử dụng của người dân trong công tác xây dựng là quá cao nên không tránh khỏi việc tái phạm? Việc khai thác đất, cát có thể là do họ khai thác trộm mà mình không quản lý hết được ở mọi lúc, mọi nơi?

Mặc dù văn bản xử phạt từ năm 2015, nhưng ông Lã văn Loan (Chủ tịch UBND xã Phú Cường) lại khẳng định sự việc mới chỉ xảy ra trong năm nay?

“Xã tiến hành giao thầu cho các hộ có niên hạn là dưới 5 năm. Việc khai thác đất với cát ở khu vực thôn Phú Thịnh là mới diễn ra trong năm nay, các năm trước thì làm rất tốt công tác quản lý nên không có. Việc khai thác này chủ yếu là các cá nhân hộ gia đình, chứ không có công ty nào đâu.

Việc họ nộp tiền theo quy định cũng là không có, xã cũng đã liên tục tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng chuyên môn bảo vệ đê điều, kịp thời ngăn chặn. những trường hợp lớn thì phối hợp với đơn vị chắc năng của huyện để làm…!” ông Loan cho biết thêm.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao liên tục chỉ đạo lực lượng chuyên môn bảo vệ đê điều, kịp thời ngăn chặn, nhưng tài nguyên vẫn bị khai thác?”, ông Loan cho rằng “Việc xử lý dứt điểm là rất khó, bởi những người khai thác chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn người dân. Hơn nữa, những người khai thác lại là người quen ở trong xã, nên rất khó để có hình thức xử lý dứt điểm…?”.

Đem vấn đề trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Trường (Trưởng phòng TNMT huyện Ba Vì), khi vừa đề cập đến vấn đề trên, ông Trường đã phủ nhận: “Làm gì có chuyện khai thác cát với đất ở dưới đó. Tôi khẳng định luôn với các anh là như thế!”.

Tuy nhiên, khi được phóng viên trao đổi đã có làm việc với lãnh đạo xã và đại diện UBND xã Phú Cường đã thừa nhận sự việc trên, đồng thời phóng viên có cung cấp hình ảnh thực địa cho ông Trường xem thì ông này đổi giọng: “Thì việc khai thác này là của người dân, người ta lấy để dùng thôi! Chứ mà có chuyện khai thác để mang tính chất kinh doanh là lực lượng công an vào cuộc ngay…!”

Sau một hồi bận xử lý công việc, ông Trường nói: “Bây giờ thế này các anh nhé! Tôi sẽ giới thiệu các anh sang làm việc với đồng chí Hải phụ trách về công tác tài nguyên khoáng sản, tôi đang bận chút công tác phải lên báo cáo với đồng chí phó chủ tịch UBND huyện cái…!”

Huyện Ba Vì chưa nắm được thông tin tài nguyên ven sống bị người dân ngang nhiên khai thác trái phép

Ông Nghiêm Xuân Hải (chuyện viên Phòng TNMT huyện Ba Vì) cho hay: “Những thông tin này đơn vị vẫn chưa nắm được, nhưng chắc cũng chỉ là khai thác nhỏ lẻ thôi!

Xã đã thực hiện theo đúng chức năng của mình là tiến hành xử lý theo thẩm quyền, tuy nhiên, có lẽ vì xét thấy sự việc là nhỏ lẻ, nên vẫn chưa thấy xã có thông tin hay tờ trình nào báo cáo lên huyện về việc này?

Chúng tôi cũng rất là cám ơn các anh đã đến thu thập thông tin, từ đó mà chúng tôi mới nắm được, sau đây tôi sẽ báo cáo để cấp trên có công văn đôn đốc để tiến hành xử lý triệt để…”

Trang Ngân
Theo báo Gia đình & Xã hội

Từ khóa: