Sự kiện hot
2 năm trước

Huyện Cao Phong (Hòa Bình): Phát triển giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo mỗi vùng quê

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), bức tranh giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những con đường được đầu tư khang trang, rộng rãi không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn huyện.

Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long
Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long

Cao Phong, một huyện “non trẻ” được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2002 trên cơ sở chia tách huyện Kỳ Sơn thành 2 huyện Kỳ Sơn và Cao Phong theo Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ. Huyện có tổng số 25.527,83 ha diện tích đất tự nhiên với 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Và sau khi sáp nhập, đến nay còn 10 đơn vị hành chính. Là địa phương nằm dọc trên Quốc lộ 6 và đường 12B cùng với hệ thống cảng thủy nội địa trên sông Đà thuận lợi đã mang lại những diện mạo mới trong hạ tầng phát triển giao thông của huyện Cao Phong trong những năm gần đây.

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Cao Phong đã giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ sở và tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.

Xác định rõ những mục tiêu và khó khăn trong xây dựng hạ tầng GTNT theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, huyện Cao Phong đã chủ động chỉ đạo phối hợp với các địa phương từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu đặt ra trong xây dựng NTM đến năm 2021 về lĩnh vực giao thông vận tải và đạt nhiều kết quả tích cực. Mỗi năm, hệ thống đường GTNT, miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, số ki-lô-mét mặt đường được nhựa hóa và bê tông hóa tăng lên, đường đất giảm dần. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi ngày càng hoàn chỉnh, khang trang. Việc thông thương giữa các vùng miền, từ nông thôn về thành thị, từ miền núi về miền xuôi đã được rút ngắn cự ly, thông suốt, an toàn.

Tuyến đường giao thông từ thị trấn vào xã Hợp Phong, huyện Cao Phong

Tuyến đường giao thông từ thị trấn vào xã Hợp Phong, huyện Cao Phong

Cụ thể, hiện trạng giao thông với tổng số km đường bộ hiện có của huyện Cao Phong 409,623 km ((bê tông nhựa 4,55 km; nhựa 44,4 km; bê tông xi măng 219,883 km; cấp phối 20,65 km; đất 48,14 km). Trong đó, cơ bản hệ thống cầu, ngầm trên địa bàn còn tốt và đảm bảo khả năng khai thác của các tuyến đường.

Trong năm 2021, huyện Cao Phong đã tổ chức kiểm tra, rà soát việc đảm bảo an toàn giao thông trên tất các tuyến đường hiện đang quản lý; chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với ccs đơn vị quản lý đường bộ thực hiện việc duy tu sửa chữa đối với các vị tri ổ gà, lún cao su, khơi thông cống rãnh, phát quang tầm nhìn và sửa chữa bổ sung các biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, đã hư hỏng, xuống cấp, đã tu sửa chữa đường, triển khai thực hiện chiến dịch Toàn dân tham gia làm GTNT.

Bên cạnh đó, về kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ năm 2021 UBND huyện Cao Phong đã bố trí kinh để bảo trì đường bộ tuyến liên xã đường từ thị trấn Cao Phong đi xã Tây Phong; đường Dũng Phong đi Tân Phong (nay xã Hợp Phong), chiều dài 3,72 km bằng nguồn ngân sách huyện. Các hình thức tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ đang áp dụng một số tuyến đường do UBND cấp xã quản lý đã được UBND các xã thực hiện có hiệu quả 02 tháng chiến dịch toàn dân làm giao thông nông thôn tháng 4 và tháng 11.

Đặc biệt, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trong năm 2021, đã triển khai thực hiện được bê thông hóa, nhựa hóa đạt 22,426 km, trong đó cụ thể đường các dự án đầu tư xây dựng 21,626 km; đường cứng hóa của các xã (chương trình NTM) 0,8 km; các công trình thoát nước được xây dựng mới, cống 48 chiếc/228m; xây dựng mới 01 ngầm/79,24 m; tổng mức đầu tư năm 2021 là 57,7 tỷ đồng, trong đó nguồn từ chương trình xây dựng NTM 1,25 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương 55,455 tỷ đồng; nguồn huy động từ nhân dân 1 tỷ đồng…Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp, ngành và địa trên địa bàn huyện Cao Phong, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn.

Hệ thống cầu đường được xây dựng tu sửa mới trên địa bàn huyện Cao Phong

Hệ thống cầu đường được xây dựng tu sửa mới trên địa bàn huyện Cao Phong

Cùng với đó, về phương hướng nhiệm vụ năm 2022 trong thực hiện công tác giao thông được triển khai cụ thể. Công tác giao thông nông thôn tiếp tục duy trì, duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường sá, cầu cống huy động nhân dân tận dụng vật liệu tại chỗ sửa chữa đường đi trong địa bàn. Tiếp tục quản lý giám sát chất lượng và thúc đẩy nhanh các công trình đang thi công theo đúng tiến độ. Thực hiện tốt công tác phòng chống lũ bảo trên địa bàn khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện.

Về công tác trật tự an toàn giao thông xây dựng kế hoạch chương trình và phối hợp với các đơn vị liên quan, các tổ chức đoàn thể xã hội triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục triển khai tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về hành lang an toàn giao thông, vi phạm về vận tải trọng xe và trật tự an toàn giao thông.

Hướng dẫn cán bộ phụ trách công tác giao thông các xã, thị trấn làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền về giao thông nông thôn và an toàn giao thông trên địa bàn quản lý. Tiếp tục phối hợp với Công an huyện tổ chức triển khai tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đến các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn huyện.

Về công tác vận tải, thống kê theo dõi các phương tiện ô tô, xe máy, thuyền và các phương tiện giao thông khác hoạt động có nề nếp. Duy trì sắp xếp quản lý tốt bến thuyền của xã Bình Thanh và Thung Nai. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng các loại hình vận tải tuyến cố định, xe chạy hợp đồng, du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng phương tiên, dịch vụ, củng cố phát triển thương hiệu.

Huyện Cao Phong (Hòa Bình): Phát triển giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo mỗi vùng quê - Ảnh 1

Công tác vận tải bến thuyền và các phương tiện giao thông khác hoạt động có nề nếp tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong - Ảnh: Phi Long

Công tác vận tải bến thuyền và các phương tiện giao thông khác hoạt động có nề nếp tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong - Ảnh: Phi Long

Trao đổi với phóng viên, về những kết quả thực hiện công tác giao thông của địa phương trong những năm qua, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cao Phong cho biết: “Huyện Cao Phong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới với xuất phát điểm về hạ tầng GTNT khá thấp. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, sự phối hợp giúp đỡ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, chính quyền các xã, thị trấn cùng với tinh thần đoàn kết thống nhất một lòng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức phòng về giao thông nông thôn, bộ mặt của nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện đã từng bước khởi sắc”.

“Những kết quả đã đạt được cho thấy thực tế kinh nghiệm từ các địa phương cơ sở, việc cán bộ chuyên trách các xã, thị trấn nhiệt tình bám chắc cơ sở, nắm được chuyên môn, áp dụng từng địa phương từ đó phong trào đường làng, ngõ xóm đảm bảo chất lượng. Lãnh đạo các xã, thị trấn quan tâm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để phát triển phong trào, khơi dậy tiềm năng tại chỗ để làm mặt đường cứng hóa; duy trì, duy tu sửa chữa thường xuyên làm đường thông, hè thoáng. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển” - ông Thế Anh chia sẻ thêm.

Có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Cao Phong tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống GTNT. Kết quả đó cũng là nền tảng, động lực để  phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, là “đòn bẩy” làm đổi thay những vùng quê nghèo./.

Phi Long – Thanh Phong/KTĐU

Từ khóa: