Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI, Đảng bộ huyện Thanh Sơn đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân; tích cực huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Đảng bộ huyện chọn khâu đột phá “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi thế” và đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng để thực hiện trong nhiệm kỳ cùng 6 nhiệm vụ cụ thể.
Thanh Sơn là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có diện tích 62.110,4 ha, dân số trên 13 vạn người, trong đó 62% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện có 23 xã thị trấn, với 263 khu dân cư, trong đó có 7 xã đặc biệt khó khăn, 6 xã thuộc diện CT 229, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm tới nay, trước những tác động của 4 đợt đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Song bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Phú Thọ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn đã nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Được biết, ngay từ những tháng đầu năm, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được huyện chú trọng triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu thu ngân sách đạt và vượt tiến độ dự toán giao; công tác bồi thường GPMB được triển khai tích cực; công tác giáo dục và đào tạo; công tác y tế chăm sóc khoẻ cho nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm; lao động việc làm, công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi, chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; cải cách hành chính được đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển.
Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2022, huyện Thanh Sơn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức; thời tiết, dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đặt ra và tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ đặt ra 6 tháng cuối năm còn khá nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các cơ quan, đơn vị để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.
Tho đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác tốt các nguồn lực tại địa phương, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong công tác xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Xác lập được các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về bố trí đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất… và những cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ về quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị sản xuất đối với sản phẩm chủ lực đã đề ra; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông, lâm nghiệp, đưa Thanh Sơn thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Sơn: Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI đã đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó xác định tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế”. Với quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, tạo chuyển biến mới ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động, Chương trình làm việc toàn khóa và chương trình làm việc năm 2021. Phân công nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực cụ thể để tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết.
Huyện cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết cụ thể, phù hợp với 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và khâu đột phá đã đề ra. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết cần xác định những nội dung cơ bản, trọng tâm tập trung chỉ đạo thực hiện; có bước đi phù hợp gắn với những việc cần làm ngay, những vấn đề giải quyết sớm và những việc căn cơ, lâu dài…
Trong đó, tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy những lợi thế của huyện; thu hút một số dự án tạo sự đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản...
Để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, Huyện ủy đã chỉ đạo các chi, Đảng bộ tổ chức học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực thi đua sản xuất, kinh doanh để thực hiện khâu đột phá và các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Tổng đàn trâu, bò đạt 30.000 con, trong đó: Tổng đàn trâu 12.000 con; sản lượng thịt hơi suất chuồng đạt 636 tấn; tổng đàn bò tăng lên 18.000 con (tỷ lệ bò lai đạt 98%), sản lượng thịt hơi suất chuồng đạt 910 tấn; tổng đàn dê trên 7.000 con, sản lượng thịt hơi suất chuồng đạt 98 tấn; tổng đàn lợn đạt 70.000 con, sản lượng thịt hơi suất chuồng đạt 10.200 tấn; tổng đàn gia cầm đạt 2 triệu con, sản lượng thịt hơi suất chuồng đạt 2.300 tấn (trong đó: đàn gà 1,4 triệu con, sản lượng 2.002 tấn). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm các loại đạt trên 15.000 tấn.
Việt Hoàn/KTĐU