Mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Quạ Đen theo hướng hữu cơ tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ được giống lúa nếp đặc sản truyền thống của địa phương.
Mô hình “Giống lúa nếp Quạ đen - đặc sản của địa phương” được huyện Thanh Sơn triển khai thử nghiệm với diện tích 3 ha vụ mùa năm 2020 tại xã Thắng Sơn. Nhận thấy đây là giống lúa nếp đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên vụ mùa năm 2021, xã Thắng Sơn tiếp tục nhân rộng lên 21 ha tại 3 khu: Giai Thượng, Đá Bia và khu Giếng Ông. Giống lúa nếp bản địa của đồng bào dân tộc Mường huyện Thanh Sơn không những không bị mất đi mà còn được phục tráng, bảo tồn và dần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Với đặc tính thời gian sinh trưởng dài từ 140 - 150 ngày, đẻ nhánh khỏe, chiều cao trung bình 1,6 - 1,7m, bông to dài, hạt gạo tròn, năng suất dự kiến đạt từ 1,7 - 1,8 tạ/sào, chất lượng gạo dẻo, thơm đặc trưng, giá thành gạo đạt 20.000 - 25.000 đồng/kg thóc. Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các giống lúa nếp truyền thống, thì đây là mô hình được đánh giá là hiệu quả, người dân cung mong muốn được nhân rộng và xây dựng thành thương hiệu lúa nếp Quạ đen - đặc sản của địa phương.
Giống lúa nếp Quạ Đen được đưa vào sản xuất trên cánh đồng xã Thắng Sơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Vụ mùa năm 2021 năng suất lúa nếp quạ đen cao gấp đôi so với năm 2020 (từ 80kg/sào/2020 tăng lên 150kg/sào/2021). Chi phí đầu tư sản xuất cho 1 sào lúa nếp quạ đen hết khoảng 1,52 triệu đồng/sào, lợi nhuận thu được khoảng 1,67 triệu đồng/sào. Về chế biến, luá nếp quạ đen sau thu hoạch về, phơi khô quạt sạch, được chế biến thành gạo và làm bánh chưng, nấu xôi, nấu cơm cháy, nấu rượu.
Đến mùa vụ năm 2022, xã Thắng Sơn tiếp tục nhân rộng giống lúa Quạ đen nhằm bảo tồn giống lúa đặc sản địa phương mở rộng sản xuất với quy mô 7.5 ha trên toàn xã.
Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn, các hộ dân đã nắm được những yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật chăm sóc cây lúa hữu cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; chủ động, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển cũng như diễn biến sâu bệnh hại để đưa ra các biện pháp tác động kịp thời, hợp lý; áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ nên cây lúa khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn. Trong vụ, phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại như bọ rầy, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, tuy nhiên, mật độ rầy và tỷ lệ bệnh hại thấp, diện tích của mô hình không phải phun trừ sâu, bệnh hại.
Những ruộng thuộc mô hình, cây lúa ở giai đoạn đầu sinh trưởng và phát triển chậm hơn ruộng bón phân vô cơ, tuy nhiên ở giai đoạn sau phát triển tương đương, cho số bông hữu hiệu, số hạt/bông và năng suất tương đương với ruộng ngoài mô hình. Năng suất ruộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tương đương với bón phân vô cơ.
Ông Vũ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích, khuyến khích người dân không bỏ ruộng, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện xây dựng, triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Trong đó, tiêu biểu như triển khai mô hình sản xuất gạo đặc sản trên nền hữu cơ của đồng bào dân tộc Mường với giống lúa nếp Quạ Đen. Đây là giống lúa đặc sản của địa phương, được trồng, chăm sóc hữu cơ, không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ cỏ và không sử dụng chất bảo quản. Đặc biệt, bông lúa to, đẻ nhánh khỏe, hạt gạo trắng tròn, khi nấu rất thơm ngon, vị đậm, dẻo lâu, ăn không ngán, nắm không dính tay nên được nhiều người ưa chuộng. Được biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng giống lúa này lên khoảng 40-50ha ở các xã trên địa bàn.
Một số sản phẩm được chế biến từ giống lúa nếp đặc sản Quạ Đen:
Mô hình sản xuất lúa nếp đặc sản Quạ Đen theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ được giống lúa nếp đặc sản truyền thống của huyện Thanh Sơn. Bên cạnh đó hình thành từng vùng sản xuất lúa hữu cơ để người dân làm quen và ứng dụng vào sản xuất nhằm bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái đồng ruộng.
Quỳnh Quỳnh/KTĐU