Trong khi Toyota Wigo tại Philippines được triệu hồi nhằm khắc phục lỗi của hệ thống điện thì ở Việt Nam, Hyundai Thành Công (HTC) công bố thông tin triệu hồi 11.540 xe Grand i10 để thay bu-lông bắt trục khuỷu.
Theo Môi trường & Đô thị, ngày 10/10 Hyundai Thành Công (HTC) công bố thông tin triệu hồi 11.540 xe Grand i10 để thay bu-lông bắt trục khuỷu. Thời gian triệu hồi bắt đầu từ ngày 10/10 đến hết ngày 31/12/2021.
11.540 chiếc Hyundai Grand i10 thuộc 6 phiên bản sử dụng động cơ 1,2 lít, bao gồm 3 phiên bản sedan và 3 phiên bản hatchback được Hyundai Thành Công triệu hồi ( Ảnh: MTĐT)
Với sự việc trên, trên các hội nhóm người dùng xe Grand i10 và diễn đàn xuất hiện nhiều luồng ý kiến phản ánh về việc gặp lỗi này. Một số người tỏ ra khá hoang mang vì không biết lỗi ảnh hưởng ra sao đến xe. Số khác tỏ ra thất vọng bởi trước đó, hồi tháng 3/2018 những chiếc xe Grand i10 này từng vướng lỗi kỹ thuật lạ "lắp nhầm phanh" phải triệu hồi.
Nhiều chuyên gia ô tô cũng bày tỏ quan ngại rằng: "Việc gãy bu-lông bắt puly đầu trục khuỷu khi xe đang vận hành tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác như dây curoa, các thiết bị lắp trong khoang động cơ bị va đập, máy phát điện và máy nén không hoạt động...",
Tờ báo này cũng dẫn lời kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết: "Bu-lông bắt pulley đầu trục khuỷu rất quan trọng, trong việc đảm bảo động cơ hoạt động tốt, còn khi nó bị gãy thì có nguy cơ phá hỏng động cơ rất cao.
Bình thường những chi tiết, bộ phận liên quan đến động cơ luôn phải có quy trình sản xuất chặt chẽ. Khi siết bu-lông cần có thiết bị hiện đại đảm bảo rằng khi siết tới giá trị lực đó thì máy sẽ tự động ngắt. Nhà sản xuất sẽ dùng đến thiết bị súng máy, chứ không thể tự siết bằng tay được, nếu do công nhân siết thì có thể họ đã siết quá mạnh gây nên loại lỗi trên..."
Nhiều luồng ý kiến phản ánh về việc gặp lỗi này của Huyndai
Nguồn tin này dẫn lời đại diện truyền thông của Hyundai Thành Công cho biết: "Do sai sót trong khi lập quy trình công nghệ sản xuất cho công việc lắp puly đầu trục khuỷu tại Nhà máy Hyundai Thành Công. Lực siết bu lông đầu trục khuỷu lớn hơn giá trị tiêu chuẩn, dẫn đến với những xe sản xuất trong giai đoạn đó, công nhân tại công đoạn lắp puly đã siết quá lực bu lông bắt puly đầu trục khuỷu. Những xe trong diện triệu hồi hầu như đã đến tay khách hàng".
Thông tin từ Zing.vn phản ánh: 'Lỗi bu lông của Hyundai Grand i10 chỉ có trên xe lắp ráp'. Theo tờ này , phía Hyundai Thành Công cho biết, đến ngày 12/10 hãng đã ghi nhận 56 trường hợp gặp lỗi trên. Tổng số 11.540 mẫu Hyundai Grand i10 được triệu hồi lần này được lắp ráp trong nước từ ngày 07/06/2017 đến ngày 31/03/2018. Những chiếc Grand i10 trong diện ảnh hưởng sử dụng động cơ 1.2 gồm cả sedan và hatchback.
Việc gãy bu lông bắt pulley đầu trục khuỷu khi xe đang vận hành tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận khác như dây curoa, các thiết bị lắp trong khoang động cơ bị va đập, máy phát điện và máy nén không hoạt động.
Mới đây hồi tháng 5, Hyundai Thành Công cũng công bố triệu hồi 178 chiếc Grand i10 liên quan đến nhầm lẫn trong quá trình lắp ráp hệ thống phanh.
Theo lý giải của Hyundai Thành Công, trong quá trình cấp phát vật tư cho 178 chiếc Hyundai Grand i10 1.2 AT dùng cơ cấu phanh trước/sau là đĩa/tang trống đã có sự nhầm lẫn thành cơ cấu phanh đĩa/đĩa của kiểu loại xe Grand i10 1.2 AT GLS.
Một chiếc Hyundai Grand i10 đang được thay thế bu lông bắt pulley đầu trục khuỷu tại đại lý ( Ảnh: Zing)
Được biết, Grand i10 là mẫu xe bán chạy nhất của Hyundai Thành Công với 1.572 xe bán ra trong tháng 9. Tổng cộng, đã có gần 17.800 chiếc Grand i10 bán ra tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.
Trước đó không lâu, hãng Toyota cũng đứng trước cơn bão tương tự về việc triệu hồi xe từ Toyota Moto Phillippines. Cụ thể, Toyota Motor Philippines đã ban hành lệnh triệu hồi 15.373 mẫu Toyota Wigo vì lỗi hệ thống điện. Đây được cho là dòng xe “được đón đợi” dù khi đó Wigo về Việt Nam gây tranh cãi khá nhiều về mức giá, các tính năng, cũng như thiết kế.
Chiến dịch triệu hồi Wigo được Toyota Philippines triển khai nhằm khắc phục lỗi của hệ thống điện. Theo đó, ống dây dẫn bảo vệ động cơ quá cứng có thể khiến dây bị đứt, dẫn đến mất nguồn khi xe đang vận hành, gây ảnh hưởng tới sự an toàn của người sử dụng.
Có đến 15.373 mẫu Wigo bị thu hồi ( Ảnh Zing)
Đây là dòng xe có kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 3.660 x 1.600 x 1.520 (mm). Toyota Wigo được trang bị động cơ i4 1,2 lít cho công suất 87 mã lực và mô-men xoắn cực đại 108 Nm, đi kèm hộp số sàn 5 cấp hoặc tự động 4 cấp. Một số trang bị an toàn gồm có dây đai an toàn 3 điểm, 2 túi khí trước, hệ thống chống bó cứng phanh ABS.
Những mẫu Toyota Wigo phân phối tại Philippines được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, lắp ráp bởi nhà máy Toyota chi nhánh Daihatsu, có giá bán từ 537.000-611.000 PHP, tương đương 231-264 triệu đồng.
Toyota Wigo ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 9/2018, xe có giá bán từ 345-405 triệu đồng. Đại diện Toyota Việt Nam cho biết ,số xe phân phối trong nước không bị ảnh hưởng dù cũng nhập khẩu từ Indonesia như thị trường Philippines. Lô xe bị lỗi được sản xuất từ năm 2017, còn số xe bán ở Việt Nam xuất xưởng từ 2018.
Mai Quỳnh (t/h)
Theo PLBĐ.GĐXH