Nhu cầu vay tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm, nhưng năm nay không khí vẫn khá ảm đạm dù lãi suất đã giảm.
Nhu cầu vay tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm, nhưng năm nay không khí vẫn khá ảm đạm dù lãi suất đã giảm.
Tâm lý khách hàng ngại giá nhà đất còn giảm, lãi suất vay còn giảm… nên chưa
muốn vay - Ảnh: D.Đ.Minh
Nhiều ngân hàng (NH) tung ra các gói cho vay tiêu dùng như mua nhà, sửa chữa nhà… với lãi suất (LS) vay dưới 10%/năm - ngang bằng với mức LS của những năm 2006 - 2007 nhưng tốc độ cho vay vẫn kém xa. Một cán bộ Vietcombank chi nhánh TP.HCM cho biết cho vay tiêu dùng của chi nhánh mới đạt được 1/2 số lượng chỉ tiêu mà hội sở Vietcombank giao, khoảng 1.250 tỉ đồng. Lãi vay mà NH đưa ra là 12%/năm, tương đương với những năm trước nhưng tốc độ cho vay thì lại không bằng. Theo số liệu từ NHNN, dư nợ cho vay bất động sản trong 6 tháng trở lại đây chỉ tăng khoảng 1%. Tại sao vay tiêu dùng lại ì ạch đến như vậy?
Khách hàng lo ngại
Chị Thanh (ngụ Q.Bình Tân) đang có nhu cầu vay để mua căn hộ ở Bình Chánh, TP.HCM với giá khoảng 1,5 tỉ đồng nên đã bỏ công tìm hiểu rất kỹ về các chương trình ưu đãi vay vốn. Tìm hiểu tới lui, cuối cùng chị quyết không vay. Chị phân tích, 3 tháng đầu, NH tính LS dưới 10%/năm, từ tháng thứ 4 trở đi sẽ theo LS thị trường, khoảng 14%. Mức này chị vẫn có thể chấp nhận nhưng sự biến động quá mạnh của LS trong những năm qua lại khiến chị chùn bước. Bởi vay mua nhà có thời gian từ 10 - 25 năm trong khi ưu đãi, chỉ vài tháng đầu thì chị không dám "đánh cược". Bởi trong hợp đồng tín dụng, thường có 2 dạng. Một số NH để lãi vay theo thị trường, một số lại tính lãi vay theo LS huy động 12 tháng cộng với biên độ trên 4%. Cả 2 phương pháp này đều đẩy người vay vào rủi ro lãi tăng cao vì thị trường không ổn định và LS huy động thì bị thả nổi.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị ĐH Ngân hàng TP.HCM - nhận xét tại thời điểm hiện nay, cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay bất động sản là một “cửa” ra của tín dụng cho các NH giữa lúc các doanh nghiệp không muốn vay bởi hàng tồn kho cao. Việc khách hàng lo ngại lãi vay biến động là hoàn toàn có lý bởi sau năm 2012, lãi huy động và cho vay trên thị trường sẽ như thế nào chưa ai biết, trong khi hợp đồng vay tiêu dùng, mua nhà là hợp đồng dài hạn, lên đến 25 năm. Đó là chưa kể, mức LS 14 - 15% hiện nay vẫn còn cao so với thu nhập của người vay. Ông Tô Nghị - Phó tổng giám đốc Eximbank - thừa nhận mức này vẫn còn cao nên Eximbank đang nghiên cứu một gói tín dụng khoảng 5.000 tỉ đồng cho vay với LS 12%/năm duy trì trong vòng 1 - 2 năm để khách hàng yên tâm.
Ngân hàng cẩn trọng
Ngoài lãi vay cao, việc tín dụng cho vay tiêu dùng chậm còn do tâm lý của người dân. Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc phát triển chiến lược khách hàng - Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, khẳng định: “Khách hàng đang chờ đợi giá bất động sản giảm thêm nên vẫn chưa thật sự muốn vay tiền để mua nhà đất”. TS Lê Thẩm Dương cũng đồng tình với nhận xét này khi cho rằng nhiều dự báo thị trường địa ốc đang giảm và còn giảm nữa, thị trường ít người mua, thanh khoản thấp nên tâm lý người mua cũng ngại tham gia.
Tín dụng tiêu dùng tăng chậm một phần xuất phát từ chính phía cho vay. Đứng trước một tảng băng nợ xấu 250.000 tỉ đồng, các NH đưa ra những điều kiện vay nghiêm ngặt hơn trước đây. Một cán bộ tín dụng Vietcombank cho hay người có nhu cầu vay hiện nay thường là khách hàng có thu nhập khá. Ngoài tìm hiểu mức thu nhập của người vay, nhân viên NH còn tìm hiểu công ty mà người này nhận lương như thế nào để đánh giá mức thu nhập có ổn định không, công ty mà người vay đang làm có rủi ro cao không; số tiền trả gốc và lãi chiếm 50% thu nhập… Tất cả những yếu tố trên cũng khiến tốc độ giải ngân tiêu dùng cuối năm này, ì ạch hơn.
Thanh Xuân
Theo Thanhnien