Các quỹ đầu tư là nguyên nhân chính gây ra đà lao dốc của cà phê hồi tháng 4, khiến giá cả robusta và arabica đều xuống thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây, Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định.
“Giá cà phê lao dốc trong nửa sau của tháng 4 chủ yếu là do giới đầu tư quỹ bán tháo các vị thế dài hạn,” ICO nhận định. Theo tính toán của ICO dựa trên chỉ số ICO Composite, giá cà phê thế giới đã giảm 2,7% trong tháng 4.
Giới đầu tư quỹ bán tháo cà phê khi nhận thấy khả năng thị trường mất cân bằng cung – cầu.
ICO: Giá cà phê lao dốc là vì các quỹ đầu tư. Ảnh: Reuters
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng mạnh
Hiện tại, thị trường đang rất lạc quan về nguồn cung cà phê trên toàn thế giới.
Mặc dù vẫn giữ nguyên dự báo rằng tăng trưởng sản lượng cà phê toàn cầu sẽ chậm hơn so với nhu cầu tiêu thụ trong năm thứ 3 liên tiếp tính đến niên vụ 2016 – 2017, nhưng những lo ngại ban đầu về nguồn cung đã được xoa dịu phần nào vì xuất khẩu và tồn kho cà phê đều tăng mạnh tại các nước tiêu thụ.
ICO ước tính, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2016 – 2017 (tháng 10/2016 – tháng 3/2017) đạt 60 triệu bao, tăng 4,8% so với cùng kỳ của niên vụ trước. Trong đó, nguồn cung tăng từ Colombia và Trung Mỹ đã giúp bù lại sự thiếu hụt cà phê từ Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
“Ngành cà phê Colombia đã phục hồi thành công sau khủng hoảng dịch bệnh rỉ sắt lá cà phê và sản lượng đã trở lại ngưỡng từng ghi nhận được vào nửa đầu thập niên 90, ” ICO cho biết.
Vẫn chịu áp lực giảm
Tuy nhiên, ICO cũng cảnh báo về khả năng thị trường sẽ tiếp tục bán tháo cà phê trong thời gian tới. Nguyên nhân là, giới đầu tư quỹ xem hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng là một tài sản, chứ không phải là một kênh đầu tư dựa trên yếu tố cung – cầu.
“Cũng giống như các hàng hóa nông sản khác, thị trường cà phê đang chịu áp lực giảm. Đó là một phần của xu hướng giảm trên cả thị trường dựa trên kỳ vọng về nguồn cung của hàng hóa nông sản và phi nông sản,” ICO nhận định.
Triển vọng thị trường cà phê
Hiện tại, các yếu tố nền tảng trên thị trường không có nhiều thay đổi nhưng triển vọng cho vụ cà phê 2017 – 2018 cũng vẫn khá tươi sáng dù vẫn còn một số bất ổn.
Thị trường không còn quá lo ngại về tình hình thời tiết khắc nghiệt tại cả Brazil và Việt Nam. Tuy nhiên, tồn kho cà phê tại Brazil còn rất thấp và bất cứ sự thay đổi đột ngột nào về thời tiết trong những tháng tới có thể sẽ là rui ro lớn đối với nguồn cung tại Brazil.
“Tương tự, rủi ro bùng phát dịch bệnh rỉ sắt lá cà phê ở các nước sản xuất nhỏ hơn, như Honduras, cũng khiến triển vọng thị trường cà phê thêm bất ổn,” ICO cho biết.
Hiệu ứng “Trumpflation”
Đặt cược vào hàng hóa là hoạt động khá phổ biến kể từ đầu năm 2017 mà động lực chính là hiệu ứng “Trumpflation”. Thị trường tin rằng, ông Donald Trump, sau khi trở thành tổng thống Mỹ, sẽ thực hiện một loạt biện pháp kích thích kinh tế và đây sẽ là động lực giúp giá vật liệu thô tăng mạnh.
Kết quả là trong 7 tuần đầu tiên của năm 2017, giới đầu tư quỹ đã tăng hơn 2 lần số vị thế dài hạn đối với các hàng hóa nông sản chính được giao dịch tại Mỹ, lên gần 800.000 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn.
Tuy nhiên sau đó, xu hướng này đã bị đảo chiều. Tính đến 2/5, giới đầu cơ đã nâng tổng vị thế ngắn hạn trên thị trường hàng hóa lên 190.000 hợp đồng.
Mặc dù xuất phát từ thị trường ngũ cốc nhưng xu hướng này đã lan rộng sang thị trường hàng hóa nông sản nhiệt đới. Theo đó, giới đầu tư quỹ đã giảm số vị thế dài hạn trong suốt 10 tuần liên tiếp tính đến tuần trước, ghi nhận đợt rút vốn dài nhất kể từ năm 2006.
Riêng đối với cà phê arabica, giới đầu cơ đã chuyển từ nắm giữ hơn 27.000 hợp đồng trong vị thế dài hạn tính đến cuối tháng 1, sang hơn 12.000 hợp đồng trong vị thế ngắn hạn.
Nhiều chuyên gia quan sát thị trường cho rằng nguồn vốn từ các quỹ đầu tư sẽ giúp cải thiện thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, một số khác lại chỉ trích hoạt động đầu tư chéo trên thị trường hàng hóa, mà trong đó giới đầu cơ không dựa vào yếu tố cầu của từng thị trường. Đầu tư chéo sẽ vô hiệu hóa ảnh hưởng của các tín hiệu, từ giá cho tới việc các nước sản xuất tăng hoặc giảm sản lượng.
Thanh Tùng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng