Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hối thúc việc sửa đổi các thỏa thuận thanh toán trái phiếu chính phủ khi mà Argentina vẫn gặp rắc rối tại tòa án Mỹ liên quan đến các "quỹ kền kền," sau nhiều năm tái cơ cấu nợ.
Ngân hàng trung ương Argentina (Nguồn: AFP)
IMF cho rằng những sửa đổi các điều mục trong thỏa thuận thanh toán nợ giữa các chính phủ và các chủ nợ là cần thiết để việc tái cơ cấu nợ diễn ra suôn sẻ sau khi một quốc gia bị vỡ nợ, đặc biệt có thể tránh một tình huống như Argentina đang rơi vào, khi một số ít chủ nợ không đồng ý tái cơ cấu nợ có thể làm rối hay đảo lộn quá trình này bằng việc từ chối tham gia và yêu cầu được hoàn trả 100% số nợ.
Theo thiết chế tài chính này, điều khoản “đối xử bình đẳng” trong các thỏa thuận thanh toán nợ của Argentina cho phép những chủ nợ phản đối việc tái cơ cấu yêu cầu được thanh toán 100% số nợ và điều khoản này phải được thay đổi theo cách đảm bảo rằng sẽ không xảy ra những tình huống tương tự trong tương lai.
Ngoài ra, IMF cũng đề xuất siết chặt điều khoản “hành động tập thể” nhằm đảm bảo đa số các chủ nợ có thể quyết định cách thức thanh toán nợ mà không bị thiểu số các chủ nợ còn lại cản trở.
Trong trường hợp Argentina, hai quỹ đầu tư của Mỹ đã nhảy vào mua trái phiếu với giá rẻ sau khi nước này bị vỡ nợ 100 tỷ USD vào năm 2001 và sau đó đã không đồng ý tham gia vào các đợt tái cơ cấu nợ vào năm 2005 và 2010. Các đợt tái cơ cấu nợ này đã được 93% số chủ nợ nhất trí, với việc chấp nhận mất 70% giá trị trên trái phiếu mà họ đã mua để giúp Argentina ổn định tài chính.
Trong khi đó, hai quỹ đầu tư của Mỹ muốn được thanh toán 100% giá trị của số trái phiếu mà họ nắm giữ là 1,3 tỷ USD và kiện Argentina ra tòa án New York có quyền thực thi pháp lý đối với thỏa thuận thanh toán nợ. Dựa trên các điều khoản của thỏa thuận, tòa này ra phán quyết cấm Argentina trả nợ cho các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu nếu chưa đáp ứng yêu cầu của hai quỹ đầu tư Mỹ.
Phán quyết này đã đẩy Argentina rơi vào một tình thế khó khăn vì không thể trả nợ cho đa số chủ nợ chấp nhận tái cơ cấu mà cũng không thể thực hiện yêu cầu của thiểu số chủ nợ còn lại vì điều này có thể khiến các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu khởi kiện vì không được “đối xử bình đẳng”.
Lê Minh
theo Vietnam+