Các nhà hoạch định chính sách nên bổ sung thêm các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu "vẫn còn yếu và chưa ổn định."
Giám đốc IMF Christine Lagarde (giữa) trong cuộc họp báo trước lễ khai mạc hội nghị Mùa xuân. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đây là khuyến nghị trong thông cáo được công bố sau cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế thuộc IMF (IMFC), cơ quan có nhiệm vụ định hướng chính sách hoạt động cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo thông cáo của IMFC, tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ mạnh lên tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế đang nổi, nhóm được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hoạt động kinh tế vẫn "còn yếu kém trong một số lĩnh vực" do giá tiêu dùng và xuất khẩu giảm.
IMFC cho rằng phải có biện pháp để vực dậy một cách hiệu quả nhu cầu và lòng tin thông qua việc kết hợp giữa các chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy nhanh tăng trưởng trong khi vẫn bảo đảm nền tài chính bền vững và ổn định, đồng thời thực hiện các cải cách cơ cấu.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico Agustin Carstens cho biết tại cuộc họp, các quan chức tài chính đã thảo luận về việc sử dụng các công cụ chính sách khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng và nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu.
Ông Carstens cho biết những ưu tiên trong cải cách cơ cấu sẽ bao gồm cải cách sản phẩm và thị trường lao động, thị trường tài chính, cải thiện chất lượng tuyển dụng và nâng cao hiệu quả quản lý.
Liên quan đến vấn đề về tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc, Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết căn cứ báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, IMF nhận định Trung Quốc đang hướng tới sự tăng trưởng chất lượng hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang được tái cân bằng từ đầu tư đến tiêu thụ. Định hướng này được chính phủ ủng hộ và thực thi một cách thận trọng thông qua việc xác định rõ ràng các lĩnh vực có nhiều rủi ro cũng như quyết tâm xử lý các rủi ro đó.
Trong thông cáo, IMFC cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc Mỹ trì hoãn phê chuẩn thủ tục cải cách tại IMF về hạn ngạch đóng góp, khiến cho tiến trình này vẫn dậm chân tại chỗ.
Mục tiêu của IMF trong việc cải cách hạn ngạch đóng góp là nhằm tăng ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, do việc đóng góp này liên quan đến quyền bỏ phiếu của các thành viên trong Hội đồng quản trị nên Washington lo ngại việc nâng hạn ngạch giúp cho các nền kinh tế đang nổi, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc, có vai trò lớn hơn trong khi lại thu hẹp quyền biểu quyết của các thành viên phương Tây.
Điều này sẽ làm giảm sự chi phối của Mỹ trong các quyết sách của IMF. Hiện nay, trong cơ chế là một vấn đề chỉ được thông qua sau khi nhận được 85% đồng thuận, với hạn ngạch đóng góp là 17,7%, Mỹ vẫn là thành viên duy nhất có quyền phủ quyết tại IMF.
IMFC nhóm họp theo định kỳ nửa năm trong đó một đợt vào tháng 9 hoặc tháng 10, thời điểm diễn ra Hội nghị thường niên IMF và WB và đợt còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4, thời điểm diễn ra hội nghị mùa Xuân của hai thể chế kinh tế hàng đầu thế giới này.
theo Vietnam+