"Tính tôi nếu đã đi sai đường thì chỉ 1-2 lần thất bại sẽ nản, nhưng đây làm vì đam mê nên vẫn muốn đi tới cùng" - Justa Tee tâm sự.
Vào tối ngày 15/9, nam ca sĩ Justa Tee cùng nhiều anh em nghệ sĩ trong giới underground sẽ tổ chức đêm nhạc Young Music with Meed tại TP.HCM. Dưới vai trò đạo diễn âm nhạc, Justa Tee cho biết đêm nhạc thường niên này được đầu tư cao rất nhiều so với 4 lần tổ chức trước tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình và Hà Nội. Tuy nhiên chính anh tâm sự rằng mình đã chịu lỗ 3 show đầu tiên khi chương trình không thành công như mong đợi.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Justa Tee trong hậu trường để tìm hiểu rõ vấn đề:
Nếu vì lợi nhuận, tôi đã bỏ show ngay từ lần lỗ thứ 2
- Chào anh, sự thật về câu chuyện anh từng phải chịu lỗ số tiền lớn để làm show nhưng vẫn kiên trì tổ chức 4 lần như thế nào?
Như mọi người cũng biết, thời xưa, giới underground chưa được nhiều khán giả biết tới, anh em đều từ "cây lúa đi lên", chung sở thích hip-hop, mê nhạc R&B, Rap thì tụ hội lại chơi với nhau. Lúc đó, Justa Tee bắt đầu mơ về một sân khấu có đông anh em underground cùng tham gia, có khán giả ủng hộ và mình bắt tay làm.
Tôi còn nhớ, lúc đó chưa một ai đứng ra làm show có nhiều nghệ sĩ underground như vậy. Khi đứng ra tổ chức, tôi mời họ dựa vào mối quan hệ nhưng cũng cần phải có những khoản chi phí để trả cho anh em, rồi chuẩn bị âm thanh, ánh sáng sân khấu để khán giả có cái để xem, ấn tượng. Khi đó, tôi vẫn còn tập tành tự làm nên cũng tự dốc túi tiền chi nhiều khoản, giá vé cũng thấp vì chủ yếu giới trẻ, sinh viên là chính.
3 show đầu tiên tại Hải Phòng, Thái Nguyên và Thái Bình bị lỗ với số tiền cũng khá lớn. Tôi buộc phải cầm cố xe, nhà, những thứ tài sản mình có để lo chương trình. Nhiều anh em phụ giúp cũng chung cảnh ngộ như vậy, nhưng chúng tôi chung một cảm xúc là rất sướng, dù lỗ nhưng vẫn cảm thấy đã vì anh em underground cũng có một sân khấu riêng để chơi nhạc.
- Liên tiếp thua lỗ, lí do gì khiến anh vẫn liều lĩnh tổ chức tiếp?
Mục đích của tôi làm vì đam mê là chính và sẵn sàng chịu lỗ để nuôi điều đó. Thứ duy nhất khiến tôi vực dậy tinh thần sau khi thiệt hại về tài chính là tình cảm của khán giả và anh em trong nghề.
Tôi còn nhớ, trong lần làm show thất bại tại Thái Bình vì dính bão chỉ sau 20 phút tổ chức, chúng tôi trả lại vé, hoàn tiền cho khán giả và họ là người chịu thiệt nhất khi đến mà không được xem chương trình. Trên chuyến xe về Hà Nội đêm đó, tôi chia sẻ rủi ro này với các anh em nghệ sĩ, họ đều động viên, an ủi, hỗ trợ một phần chi phí để tôi không bị áp lực. Đó là điều tôi trân quý khi các anh em trong giới sẵn sàng bùm đọc nhau để nuôi sống đam mê.
- Vậy anh làm gì xoay vòng vốn sản xuất những chương trình tiếp theo?
Tôi tiếp tục đi hát, kinh doanh café thêm, sản xuất nhạc… Tóm lại, những gì tôi làm được đều có thể lo hết vì đam mê.
- Nhưng có lẽ, anh đã phải chiến đấu tư tưởng khá nhiều khi phải dốc tiền túi vì đam mê nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ?
Đúng! Lúc đó tôi cảm thấy mình hi sinh và suy nghĩ, đắn đo nhiều nhưng nó đáng để tôi phải thế! Tôi từng chứng kiến giới underground phát triển từ lúc chưa ai biết tới, đến khi bị nhiều người dè bỉu vì lời lẽ phóng khoáng, tự do đường phố. Cho đến lúc này khi giới underground đã có một vị trí riêng trong làng nghệ thuật thì anh em luôn tin tưởng điều mình làm lúc đó là luôn đúng.
Underground giờ không còn là dòng nhạc mà trở thành lối sống của những con người tự do, phóng khoáng trong suy nghĩ, không quan trọng hào quang, bề nổi của showbiz.
- Nói vui rằng, số tiền thua lỗ cũng là “học phí” kinh nghiệm cho anh?
Đúng đấy, ai làm gì cũng cần những lúc thất bại. Tất cả những người thành công trong cuộc sống đều trải qua vấp ngã để đứng lên về sau. Chuyện đó trong xã hội có nhiều lắm.
- Có phải lợi nhuận cũng là một phần lí do anh kiên trì tổ chức show?
Nếu vì lợi nhuận kinh tế, tôi đã dừng ngay lần lỗ thứ 2. Tính tôi nếu đã đi sai đường thì chỉ 1-2 lần thất bại sẽ nản, nhưng đây làm vì đam mê nên vẫn muốn đi tới cùng. May mắn, lần thứ 3 tổ chức ở Hà Nội, tôi đã hoàn vốn và điều đó chứng tỏ, tôi kiên trì làm là có lí do chính đáng.
- Gia đình chia sẻ điều gì về những thất bại của anh trước đó?
Bố mẹ đều tin vào việc tôi làm. Ngày xưa, gia đình đã nhiều lần ngăn cản tôi theo nhạc, từ thời còn 15-16 tuổi nhưng về sau, họ ủng hộ tôi 2 tay vì điều mình làm là tốt cho cuộc sống. Sau nhiều năm sống với âm nhạc, tôi thấy mình trưởng thành, giúp đỡ cuộc sống nhiều thứ, phụng dưỡng bố mẹ, tự nuôi bản thân và đam mê. Đó là điều mà gia đình tôi nhìn thấy nên những quyết định sau này, họ đều tin tôi tuyệt đối.
4 năm nay tôi chưa có một sản riêng đặc biệt là có lí do!
- Tôi thấy anh có vẻ rất tự hào vì sự phát triển tới bây giờ của giới underground?
Không chỉ tôi mà các anh em nghệ sĩ xuất thân từ underground đều cảm thấy vui khi bây giờ mình được tôn trọng hơn trước. So với thời gian đầu, giới trẻ Việt Nam nghe nhạc underground tinh tế hơn vì nó phản ánh sự thật, không hoa mĩ nhưng có cá tính. Công sức làm cho giới underground đi lên phần lớn là do khán giả tin tưởng và ủng hộ.
- Số đông không phải là tất cả, xã hội vẫn còn nhiều người cho underground là “nhạc dơ”. Bản thân anh nghĩ gì về điều đó?
Năm 2017 mà để nhắc underground là “nhạc dơ” là điều quá cũ để bàn tán. Bản thân những nghệ sĩ lâu đời như tôi, Big Daddy… đều hiểu và luôn tự chuyển mình để âm nhạc phù hợp với văn hoá, thuần phong mĩ tục. “Nhạc dơ” mà bạn nhắc là cách đây của 10 năm về trước và lứa nghệ sĩ đầu bị chỉ trích cũng không còn hoạt động nữa. Bản thân những lứa sau như chúng tôi luôn đi tìm điểm chung giữa văn hoá và khán giả.
- Vậy theo Justa Tee, để viết một ca khúc underground, điều gì anh quan tâm để thoát khỏi lối suy nghĩ cũ đó?
Tôi quan trọng nhất là cảm xúc của khán giả. Nhạc của Justa Tee đều là nhạc tình yêu nên sẽ không bao giờ có khái niệm “dơ” vì tôi để ý tới cảm nhận của người nghe. Tôi tự làm chủ được âm nhạc, lối sáng tác và cả cách sản xuất để tạo rung động cho khán giả. Thế nên, tôi chăm chút rất lâu để có một bài hát. Thú thật, 4 lâu năm tôi chưa ra sản phẩm nào cũng để làm một album, dự kiến trong năm nay sẽ giới thiệu.
- Vì sao phải là 4 năm khi thời gian đó quá lâu để khán giả có sự thay thế hình ảnh anh bằng một ngôi sao trẻ khác?
Justa Tee hoạt động âm nhạc không quá quan trọng về tên tuổi mà chủ yếu là mình có sản phẩm như thế nào. Làm nhiều nhưng đi lối mòn kiểu cũ, phong cách cứ na ná nhau như nhiều ca sĩ khác làm thì không phải kiểu của tôi. Mình muốn tìm những cái mới để theo, mỗi năm mỗi phát hiện một cái lạ. Justa Tee có quan điểm sáng tác là bài sau không được giống bài trước, dù vẫn là R&B nhưng sẽ có cách nhấn nhá khác nhau. Vì sự chắt lọc như vậy mà tôi vẫn chưa vội ra sản phẩm mới.
Còn việc thay thế tên tuổi, xu hướng khán giả nghe nhạc giờ theo diện rộng, nhạc không theo trào lưu thì họ khó để ý. Những nghệ sĩ underground như tôi, người hâm mộ chủ yếu từ trong giới, họ trung thành và ủng hộ mình lâu bền.
Tôi quan niệm, mình phục vụ những người hiểu về mình, chứ không muốn chạy theo trào lưu để làm những cái cũ vì nó không lâu bền. Đó là lí do mà tôi tin, nhạc của Justa Tee năm nay nghe, năm sau hoặc nhiều năm nữa họ vẫn có thể nghe và cảm xúc vẫn nguyên như vậy.
- Nhiều người cho rằng, 4 năm qua anh không có bài mới vì mải mê “lấn sân” nhiều lĩnh vực khác: kinh doanh, sản xuất nhạc. Liệu anh có tham việc quá không?
Tôi là người hết lòng vì đam mê, chuyện kinh doanh cũng là thứ để tôi nuôi nó và sống với âm nhạc, nên để theo đuổi thì tôi sẵn sàng làm mọi thứ đến nơi đến chốn. Tham việc có nghĩa là làm những thứ không phải sở trường, cái gì cũng gom hết vào thân, còn những điều tôi làm đều có mục đích và mong muốn riêng.
Cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
Vũ Quân
Theo ĐSPL,Vietnammoi