Sự kiện hot
5 năm trước

Kangaroo: Hàng Việt nhưng không mang "hồn Việt"

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất điện lạnh gia dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm của Tập đoàn Kangaroo lại khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ.

Gần đây, vụ Asanzo là "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam" đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là những người tiêu dùng đặt trọn tin yêu vào những sản phẩm đang mang thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngay sau đó, lại xuất hiện nhiều sản phẩm của một thương hiệu lớn mang tên Tập đoàn Sunhouse đang bày bán hàng tràn lan hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại ghi hàng xuất xứ từ Trung Quốc.
Thực tế, câu chuyện của Asanzo hay của Sunhouse không phải là duy nhất bởi trên thị trường vẫn còn nhiều thương hiệu đang "mập mờ" về nguồn gốc, xuất xứ. Chẳng hạn như vụ việc của thương hiệu Khaisilk - doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.
Ngọn lửa Asanzo bắt đầu cháy lan sang Sunhouse và dường như dư luận lại quên mất "đối thủ nặng ký" Kangaroo cũng là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất điện lạnh gia dụng, nhưng những sản phẩm mang thương hiệu Kangaroo lại luôn khiến người tiêu dùng phải tò mò, lẫn nghi ngờ về nguồn gốc thật sự của sản phẩm.
Từ vụ việc Asanzo, Sunhouse, PV đã có cuộc khảo sát thị trường đối với các sản phẩm từ thương hiệu Kangaroo đang được người Việt tin dùng tại Big C Thăng Long (Hà Nội) chiều ngày 25/6.

Sản phẩm thương hiệu Kangaroo nhưng lại có xuất xứ Trung Quốc đang bày bán tại Big C Thăng Long. Ảnh: Hà Phương.

Kangaroo thường xuyên có những quảng cáo thổi phồng về chất lượng sản phẩm như: Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam, Số 1 ngành hàng gia dụng Việt Nam,... mà chưa có sự kiểm nghiệm, chứng nhận của cơ quan chức năng uy tín trong lĩnh lực. Các sản phẩm được quảng bá nguồn gốc nhập khẩu từ Italia, Hàn Quốc,... song xuất xứ ghi trên sản phẩm các sản phẩm cụ thể lại mập mờ.

Sản phẩm mang thương hiệu Kangaroo nhưng lại ghi xuất xứ là Trung Quốc.(Ảnh: Hà Phương)

Tại nơi bày sản phẩm hàng gia dụng, có nhiều sản phẩm Kangaroo có xuất xứ từ Trung Quốc như Quạt làm mát không khí Kangaroo KG50F15. Vậy nhưng khi tra thông tin sản phẩm này trên website https://kangaroo.vn/san-pham/may-lam-mat-khong-khi-kg-50f15#thong-tin-san-pham (kênh bán hàng trực tuyến chính thức của Tập đoàn Kangaroo) sản phẩm này được giới thiệu chi tiết về mẫu mã, công dụng, nhưng lại không ghi nơi xuất xứ.

Ảnh: Hà Phương.

Sản phẩm máy làm nóng lạnh nước uống KG41W tại nơi trưng bày có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trong phần giới thiệu sản phẩm này trên website của Kangaroo lại không ghi thông tin xuất xứ.

Ảnh: Hà Phương.

Cũng trong tình trạng tương tự, nồi lẩu điện đa năng Kangaroo KG269 được trưng bày trên kệ có xuất xứ Trung Quốc nhưng khi tra cứu sản phẩm trên website của Kangaroo lại không hề thấy thông tin xuất xứ từ đâu.

Tại một cửa hàng Kangaroo trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), bước vào là cả một gian hàng bao gồm  nồi cơm điện, bàn là hơi nước, bếp hồng ngoại,... với dòng chữ in trên bao bìa " sản xuất tại Trung Quốc" kèm theo đó là giá cả khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng một sản phẩm. Khi được hỏi xuất xứ sản phẩm, nhân viên ở đây cũng tự tin giới thiệu xuất xứ của những sản phẩm này đều từ Trung Quốc. 

Hai dòng thiết kế giám sát và đơn vị SX/LR/NK được in đậm bắt mắt trong khi dòng nhà sản xuất thì in nhỏ khó nhìn thấy) Ảnh: Hà Phương.

Chẳng hạn như sản phẩm nồi cơm điện với mã sản phẩm là KG 825, nhìn kỹ phía dưới có dòng thông tin về thiết kế và giám sát chất lượng “KANGAROO AUSTRALIA” và “Đơn vị SX/LR/NK - KANGAROO VIỆT NAM” được in đậm màu đen và phóng to cho dễ đọc. Trong khi, thông tin về nơi sản xuất của nhãn hàng lại chỉ là dòng chữ bé tý khó nhận biết là L.J.RAPPLIANCE CO.,LTD. Lianjiang, Guangdong, China.

Hầu hết các sản phẩm khác của Tập đoàn Kangaroo lập lờ sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.

Ảnh: Hà Phương.

Không những chỉ một sản phẩm mà hầu hết các sản phẩm khác của Tập đoàn Kangaroo đều như vậy. Những thông tin quan trong đều khó đọc vì được in với dòng chữ rất bé còn viết bằng tiếng anh nên khách hàng rất khó phát hiện.

Thực sự, nếu như không tìm hiểu kỹ thì người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn. Bởi Kangaroo vẫn khiến họ lầm tưởng rằng sản phẩm này sẽ đến từ Úc (Australia), Italia, Hàn Quốc... hoặc một dây chuyền công nghệ nào đó của Australia,...
Mạnh mẽ với sologan "Tập đoàn gia dụng hàng đầu Việt Nam" nhưng Kangaroo thực sự chưa xứng tầm với phương châm kinh doanh này, bởi sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán cho người tiêu dùng lại là hàng xuất xứ từ Trung Quốc, điều này đi ngược với khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt".
Trước giờ, khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt" luôn được các doanh nghiệp trong nước ủng hộ, kêu gọi người tiêu dùng hãy ưu tiên dùng hàng Việt. Nhưng chính doanh nghiệp lại đang "treo đầu dê bán thịt chó", không trung thực với khách hàng, đi ngược với phương châm kinh doanh của mình.

Theo KDPL

Từ khóa: