Với đông đảo người dân, theo các chuyên gia, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư truyền thống được lựa chọn, tuy mức sinh lời không cao như các kênh khác nhưng an toàn.
Trong bối cảnh kinh tế trong giai đoạn phục hồi, nhưng áp lực lạm phát tăng cao, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, kênh đầu tư nào sẽ được các nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn trong năm 2022?
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, chứng khoán sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong năm 2022. Tuy nhiên, kênh đầu tư này phần nào đó sẽ bớt hứng khởi hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021. Bên cạnh đó, sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
|
Đối với bất động sản (BĐS), PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong năm nay, thị trường này vẫn hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, bởi vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tăng cao, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ có sức hút lớn trong thời gian tới. Ngoài ra, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sau thời gian trầm lắng do dịch bệnh sẽ khởi sắc trở lại khi du lịch mở cửa trở lại. Khi kinh tế hồi phục, thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu mua nhà theo đó cũng tăng cao và các phân khúc đất nền, chung cư giá rẻ và trung bình sẽ được nhắm tới nhiều hơn. Theo đó, giá cả ở khu vực này có thể tăng.
PGS.TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại Lincoln - Vương quốc Anh cũng chung quan điểm cho biết, khi Chính phủ thực hiện các gói tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, thanh khoản cho nền kinh tế vẫn rất dồi dào… Trong bối cảnh đó, các thị trường tài sản bao giờ cũng hấp dẫn, đó là thị trường cổ phiếu, thị trường BĐS.
Song các chuyên gia cũng cảnh báo, dù cơ hội sinh lời từ các kênh đầu tư này vẫn còn nhiều, nhưng rủi ro tiềm ẩn không nhỏ. Đối với thị trường BĐS, giá đất ở nhiều nơi đã tăng nóng trong thời gian qua, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nhất là đầu tư BĐS đòi hỏi nhà đầu tư phải có vốn khá lớn. Nếu thị trường có biến, thanh khoản giảm, NĐT rất khó thoát hàng.
Hay như thị trường chứng khoán tuy là kênh sinh lời tốt, nhưng điều này chỉ đúng khi nhà đầu tư nhìn nhận hợp lý, khoa học, nghiêm túc và đặc biệt cần có tính kỷ luật rất cao. Năm 2022 vẫn sẽ là một năm thăng hoa đối với thị trường chứng khoán nhưng sẽ có sự phân hoá mạnh, những cổ phiếu đầu cơ vỡ rồi thì dòng tiền sẽ chạy ra và tìm kiếm những doanh nghiệp nào có yếu tố cơ bản cũng như tăng trưởng tốt. Do vậy, các NĐT phải tỉnh táo khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
Một số kênh đầu tư khác như vàng, trái phiếu… cũng sẽ là sự lựa chọn của người dân. Tuy nhiên, giá vàng lên xuống bất định theo biến động kinh tế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn, vì vậy đây không phải là kênh đầu tư thu hút tiền nhàn rỗi. Còn với trái phiếu, chuyên gia cho rằng sang năm 2022 cùng với các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành sẽ chặt chẽ hơn. Do đó lượng phát hành trái phiếu trong năm nay sẽ giảm nhưng độ an toàn sẽ tăng lên, nhu cầu đầu tư trái phiếu vẫn cao nhưng hoạt động đầu tư sẽ không nóng như năm vừa qua.
Với đông đảo người dân, theo các chuyên gia, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư truyền thống được lựa chọn. Tuy mức sinh lời không cao như các kênh khác nhưng an toàn. Thực tế, hiện tại các NĐT dù có đầu tư chứng khoán, BĐS, nhưng luôn dành một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng phân tán bớt rủi ro.
“Đối với NĐT kiến thức đầu tư tài chính chưa có nên gửi tiền tiết kiệm. Dù lãi suất tiền gửi thấp hơn so với các kênh đầu tư khác nhưng tiền vẫn đẻ ra tiền. Mức lãi suất cao nhất người gửi nhận được là 6 - 7%/năm, trừ đi tỷ lệ lạm phát năm 2022 được dự báo khoảng 3-4%, tỷ suất sinh lời cao nhất là 4%/năm. Còn hơn là để tiền ngủ đông. Đã có NĐT “đu đỉnh” cổ phiếu đầu cơ phải vài ba năm mới thu hồi được vốn. Thực tế là có nhiều cổ phiếu cả chục năm chưa quay trở lại được thời hoàng kim và các NĐT buộc phải cắt lỗ”, một chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Theo Thời báo Ngân hàng