Theo một nghiên cứu của Đại học Northwestern, những trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc có thể xử lý âm thanh tốt đồng thời kỹ năng đọc và sử dụng ngôn ngữ cũng thành thạo hơn.
Theo một nghiên cứu của Đại học Northwestern, những trẻ có khả năng cảm thụ âm nhạc có thể xử lý âm thanh tốt đồng thời kỹ năng đọc và sử dụng ngôn ngữ cũng thành thạo hơn.
(Nguồn: Đẹp/Vietnam+)
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm về kỹ năng cảm âm của 124 học sinh thuộc trường phổ thông Chicago, Hoa Kỳ. Mỗi học sinh được kiểm tra khả năng cảm nhận tiết tấu, sau đó các nhà khoa học đo phản ứng của não với những âm thanh này.
Tiến sỹ Nina Kraus, Giám đốc Viện nghiên cứu Thần kinh học Northwestern đồng thời là tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Khi tai nghe thấy âm thanh, các nơron thần kinh trong bộ não phát đi các xung điện vì vậy chúng tôi có thể thu được những tín hiệu này.”
Sau khi so sánh kết quả, tiến sỹ Kraus và nhóm của bà phát hiện ra những học sinh có khả năng cảm âm tốt nhất là những em có não phản ứng với âm thanh mạnh nhất, đây cũng là dấu hiệu mà theo các nhà nghiên cứu là có quan hệ mật thiết với kỹ năng đọc hiểu và khả năng ngôn ngữ.
“Con người tạo ra âm thanh để giao tiếp. Khi biết đọc con người sẽ biết cách liên kết những gì chúng ta nghe thấy và từ ngữ chúng ta thấy trong sách,” tiến sỹ Kraus nói.
Khả năng liên kết âm thanh và từ ngữ trong sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc hiểu của trẻ.
Những nghiên cứu trước đây đã chứng minh khi nơron thần kinh của trẻ phản ứng chậm với âm thanh, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc đọc hiểu và học ngôn ngữ thậm chí sẽ dẫn đến hội chứng khó đọc.
Ngoài ra, tiến sỹ Kraus chỉ ra khả năng xử lý âm thanh liên quan đến khả năng lắng nghe âm thanh trong đám đông, một kỹ năng rất cần thiết trong môi trường lớp học.
Nghiên cứu này đã chỉ ra tầm quan trọng của âm nhạc với trẻ em như thúc đẩy các kỹ năng nghe, đọc và khả năng ghi nhớ âm thanh.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Kha-nang-cam-am-giup-tre-em-phat-trien-ngon-ngu/20139/217205.vnplus
theo Vietnam+