Tuy cho rằng, khả năng hồi phục ngắn hạn sẽ xuất hiện tại các vùng hỗ trợ của 2 chỉ số, nhưng các CTCK cho rằng, rủi ro sẽ rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia bắt đáy, vì xu hướng chung của thị trường vẫn là giảm điểm.
Tuy cho rằng, khả năng hồi phục ngắn hạn sẽ xuất hiện tại các vùng hỗ trợ của 2 chỉ số, nhưng các CTCK cho rằng, rủi ro sẽ rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia bắt đáy, vì xu hướng chung của thị trường vẫn là giảm điểm.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 27/12.
Khả năng hồi phục ngắn hạn sẽ xuất hiện
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Lực cầu bắt đáy khá thưa thớt chỉ giúp thị trường hồi phục nhẹ trong những phút đầu của phiên giao dịch. Xu thế giảm đã nhanh chóng quay trở lại chi phối phần lớn khoảng thời gian trong phiên với đà lao dốc mạnh của giá cổ phiếu.
Có thể thấy áp lực bán ra của nhà đầu tư tổ chức, một phần trong đó từ khối ngoại, là nguyên nhân chính đẩy nhiều mã bluechips trên sàn HOSE sụt giảm mạnh.
Mặc dù, lực cung khá “bền bỉ” này đã xuất hiện trong suốt đợt giảm điểm kéo dài 3 tháng vừa qua nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa cho tín hiệu dừng lại.
Thêm vào đó, với áp lực tăng tỷ trọng tiền mặt vào thời điểm cuối năm và giảm rủi ro cho năm sau khi nhiều tổ chức đã trải qua 2 năm thua lỗ liên tiếp, chúng tôi cho rằng áp lực bán này có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011.
Bên cạnh đó, khác với các nhịp sụt giảm mang tính giằng co trước, nhóm cổ phiếu có tính thanh khoản cao trên sàn Hà Nội đang sụt giảm liên tiếp với biên độ lớn.
Những thông tin khó khăn về thanh khoản của một số công ty chứng khoán và việc hạn chế cung cấp dịch vụ “bán khống” trong thời gian gần đây đã không giúp tạo lực cầu “mua trả” cổ phiếu trong những phiên giảm sâu.
Mặc dù trên phương diện kỹ thuật, khả năng hồi phục ngắn hạn sẽ xuất hiện tại các vùng hỗ trợ của 2 chỉ số, nhưng rủi ro T+ sẽ rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia bắt đáy tại thời điểm hiện tại. BVSC tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư bảo toàn vốn và tránh các quyết định đầu tư ngược xu hướng với độ rủi ro cao.
Nhiều khả năng hai chỉ số giảm xuống các vùng hỗ trợ
(CTCK EuroCapital)
Khởi đầu tuần giao dịch cuối năm, thị trường vẫn trong trạng thái giảm giá. Mặc dù kỳ nghỉ của nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra nhưng giao dịch của khối ngoại vẫn diễn ra sôi động theo hướng không tích cực khi họ bán ra hầu hết các mã chứng khoán chủ chốt.
Trong khi căng thẳng thanh khoản cuối năm của hệ thống tài chính, ngân hàng gia tăng thì việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ thật sự thuyết phục khiến khả năng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn rất khó có thể diễn ra.
Phân tích giao dịch cũng như phân tích kỹ thuật ngắn hạn thể hiện xu hướng giảm giá vẫn chưa có nhiều thay đổi. Dòng tiền bắt đáy manh nha xuất hiện trong các phiên giao dịch tuần trước không thấy gia tăng và bên bán ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Khả năng hai chỉ số giảm xuống các vùng hỗ trợ là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, trước khi có dấu hiệu gia tăng trở lại cùng dòng tiền, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư không tham gia thị trường trong những phiên giao dịch tới.
Các chỉ số vẫn nằm trong xu hướng giảm
(CTCK Chợ Lớn - CLCS)
Trên đồ thị kỹ thuật, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hai chỉ số tiếp tục giảm điểm với khối lượng giảm và biên độ dao động giá tăng.
VN-Index có vẻ phản ứng tích cực với vùng chống đỡ 348-350 điểm. Trong khi HNX-Index tiếp tục lùi sát mốc chống đỡ 55-56 điểm.
Chúng tôi cho rằng, các chỉ số vẫn nằm trong xu hướng giảm. Các phiên sắp tới các chỉ số sẽ thử thách các ngưỡng chống đỡ 348-350 điểm với VN-Index và 55-56 điểm với HNX-Index.
Tuy nhiên, đây không phải là các mức chống đỡ thực sự mạnh của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng VN-Index có mức chống đỡ đủ mạnh tại 320-325 điểm và HNX-Index tại 51-52 điểm.
Xu hướng chung của thị trường vẫn đang là giảm
(CTCK Trí Việt - TVSC)
Một phiên giao dịch mà rất nhiều người cuối tuần trước đã chờ đợi sự tăng giá đã trở thành thất vọng. Cầu của thị trường suy yếu mạnh làm cho chỉ số 2 sàn tiếp tục giảm dù cung cũng đang giảm xuống.
Điều tích cực là khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HNX đang giảm xuống khi thị trường giảm trong phiên thứ 2 liên tiếp. Có vẻ như diễn biến thanh khoản trong mối quan hệ với giá đang có sự đảo chiều:
- Trước đây: Giá giảm - KLGD tăng và Giá tăng - KLGD giảm.
- 2 phiên gần đây: Giá giảm - KLGD giảm và hứa hẹn: Giá tăng - KLGD tăng trong những phiên sắp tới.
Xu hướng chung của thị trường vẫn đang là giảm, nhưng nếu trong nửa cuối tuần này thị trường xuất hiện các phiên giằng co dao động ngang và củng cố cho mối quan hệ thanh khoản với giá nêu trên thì dễ cảnh báo sự đảo chiều ngắn hạn trong dịp năm mới 2012 (tình huống tương tự như những gì đã diễn ra vào cuối 10/2011 và 11/2011).
Hiện VN-Index và HNX-Index được hỗ trợ ở vùng quanh 350 và 56 điểm.
Lạc quan với triển vọng dài hạn
(CTCK Rồng Việt - VDSC)
Cuối tuần qua, NHNN bất ngờ điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 15 đồng, lên mức 20.828 đồng. Đây là lần điều chỉnh thứ hai trong tháng 12 và tính từ thời điểm NHNN đưa ra cam kết không tăng tỷ giá quá 1% thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 0,97%, khá sát với chỉ tiêu.
Như vậy, khả năng sẽ không còn lần điều chỉnh tỷ giá trong tuần cuối cùng của năm, do dự địa còn lại khá thấp (khoảng 0,03%). Mặc dù vậy, nhu cầu ngoại tệ còn khá cao do tính mùa vụ. Thêm vào đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức khá cao (xoay quanh 2 triệu đồng/lượng) có thể làm tăng nhu cầu USD để nhập lậu vàng. Do đó, rủi ro phá giá VND vào đầu năm 2012 còn khá cao.
Thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong khi xu hướng giảm giá ở nhóm vốn hóa lớn chưa dừng lại khiến đà giảm của các chỉ số kéo dài thêm sang phiên 26/12.
Tâm lý bi quan quay trở lại, áp lực thoát hàng khá lớn nhưng người mua hạn chế gia nhập thị trường, thanh khoản do đó chưa có chuyển tích cực.
Hiện tại, chưa có thông tin đủ mạnh để hỗ trợ cho TTCK. Trong khi đó, vàng và USD đang ngày càng tăng tính hấp dẫn do xu hướng giảm giá của vàng được dự báo sẽ tiếp diễn và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới còn khá cao.
Do đó, dòng tiền đầu tư khả năng sẽ bị san sẻ cho hai kênh này và chứng khoán khó có cơ hội phục hồi trong giai đoạn hiện tại.
Mặc dù chúng tôi lạc quan với triển vọng dài hạn, song với những áp lực tâm lý hiện tại, khả năng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng, NĐT kiên nhẫn đứng ngoài quan sát, chờ tín hiệu rõ ràng hơn.
Không thích hợp cho các chiến lược ngắn và trung hạn
(CTCK ACB - ACBS)
TTCK Việt Nam tiếp tục trượt dài trước tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch 26/12, chỉ số VN-Index mất 3,53 điểm xuống còn 352,68 trong khi chỉ số HNX-Index giảm xuống mức 57,17 điểm.
Thanh khoản giảm trên cả hai sàn cho thấy lực cầu vẫn còn yếu, một phần có thể do kỳ nghỉ lễ đang đến gần.
Khối ngoại bán ròng trên sàn thành phố với giá trị bán ròng đạt trên 54,94 tỷ đồng, trong khi đó trên sàn Hà Nội, vị thế mua ròng của khối này vẫn tiếp tục duy trì với giá trị tương ứng tại mức 2,44 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần cuối cùng của năm 2011, hầu hết các ngành đều có lợi suất âm.
Trên sàn HOSE, ngành công nghệ, tiện ích và dịch vụ tiêu dùng là những ngành có lợi suất cao nhất, lần lượt đạt 1,32%, 0,46%, và 0,37%.
Trên sàn Hà Nội, ngành tiện ích tiếp tục là ngành duy nhất duy trì mức lợi suất dương (+2,52%). Ngược lại, ngành dịch vụ tiêu dung là ngành có kết quả tệ nhất (-5,8%).
Về mặt phân tích kỹ thuật, trong các phiên tới, cả hai chỉ số có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Ở mặt tích cực, một vài chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng quá bán cho thấy khả năng thị trường sẽ hồi phục nhẹ. Các phiên phục hồi của thị trường, nếu có, sẽ khó kéo dài, nhưng có thể được xem là cơ hội cho mua bán lướt sóng.
Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng, thời điểm hiện tại không thích hợp cho các chiến lược ngắn và trung hạn. Nhà đầu tư nên chờ đợi những thông tin hỗ trợ tích cực trước khi quyết định.
Thị trường sẽ khó có thể chuyển biến tích cực
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Tuần giao dịch cuối cùng của năm 2011 đã có một khởi đầu không thực sự suôn sẻ khi cả HNX và VN-Index đều cùng ghi nhận phiên đi xuống thứ ba liên tiếp của mình.
Diễn biến giao dịch từ đầu đến cuối phiên đều bị bao phủ bởi một bầu không khí ảm đạm và buồn tẻ với tốc độ khớp lệnh chậm chạp.
Nguyên nhân của điều này vẫn không nằm ngoài sự thận trọng của các nhà đầu tư khi mà thị trường không có được sự ủng hộ từ phía kinh tế vĩ mô trong nước, với những lo ngại về tình hình lạm phát, tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới lại cộng thêm thời điểm cuối năm đang đến rất gần thì hiếm có nhà đầu tư đủ tự tin đề bắt đáy lúc này, tâm lý đứng ngoài chờ đợi dường như đang chiếm đa số.
Tính thanh khoản của thị trường theo đó vẫn dậm chân ở mức thấp, việc tăng đột biến về tổng khối lượng giao dịch chủ yếu do đóng góp của giao dịch thỏa thuận.
Với bối cảnh như hiện nay thì trong thời gian ngắn sắp tới, thị trường sẽ khó có thể chuyển biến theo hướng tích cực một cách rõ ràng và chắc chắn, do đó chúng tôi giữ nguyên quan điểm thận trọng và nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 27/12.
Khó xuất hiện một xu hướng phục hồi
(CTCK FPT - FPTS)
Phiên giao dịch đầu tuần 26/12 tiếp tục chứng kiến đà giảm điểm diễn ra trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo khiến áp lực bán tăng cao tác động mạnh đến diễn biến thị các chỉ số và đè nặng lên tâm lý đầu tư. Việc các chỉ số liên tiếp tạo lập các mức thấp kỷ lục khiến áp lực bán giải chấp gia tăng theo đà giảm thị trường là nguyên nhân khiến sức bán liên tiếp xuất hiện trong các phiên giao dịch.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư trở nên thụ động, hoang mang với diễn biến thị trường càng làm cho xu hướng giảm điểm trở lên khó tìm được điểm dừng. Mặc dù đã xuất hiện lực cầu bắt đáy tham gia thị trường giúp VN-Index thu hẹp đà giảm trong vài phiên gần đây nhưng sức mua yếu và rải rác quanh các mức giá thấp vẫn chưa đủ để ngắt nhịp xu thế giảm điểm ngắn hạn.
Xét các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, kỳ vọng vào một đợt đỡ giá để nâng đỡ NAV cuối quý của các quỹ đầu tư đã không xảy ra. Thay vào đó lại là áp lực bán ròng trước đó đã khiến các Bluechips mất điểm hàng loạt đưa thị trường giảm sâu về mức thấp kỷ lục.
Mặt khác, phải kể đến những thông tin về định hướng tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang trở thành chủ đề được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự được khẳng định càng làm cho nhà đầu tư hoang mang về triển vọng thị trường trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh hiện tại sẽ khó để cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Kỳ vọng vào lực cầu bắt đáy sẽ hỗ trợ xu hướng thị trường cũng chưa được đánh giá cao.
Ngoài ra, với kỳ nghỉ lễ đang đến gần thì khả năng của một xu hướng phục hồi càng trở nên khó xuất hiện. FPTS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng và đứng ngoài thị trường trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Đà giảm chưa có dấu hiệu kết thúc
(CTCK VNDirect - VND)
Dấu hiệu bán ra ngày càng quyết liệt hơn, về cuối phiên nhiều mã trắng bảng bên mua cho thấy sức cầu ngày một mờ nhạt.
Thanh khoản mặc dù vẫn đạt ở mức cao nhưng có sự trợ giúp lớn của giao dịch thỏa thuận. Hai chỉ số thị trường tiếp tục đi sâu vào kênh giảm giá và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự phục hồi.
Nhiều mã bluechip khớp lệnh ở mức thấp nhất lịch sử, thậm chí trải qua 14, 15 phiên liên tiếp mà không hề xuất hiện nến trắng cho thấy mức độ mất điểm nghiêm trọng không thể coi thường, và điểm số của nhóm bluechip này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến index.
Mức giá hiện tại của cố phiếu đang thấp nhất trong lịch sử chỉ hàm ý việc mua vào thời điểm này có lợi thế giá đầu vào hơn so với những người nắm giữ cổ phiếu từ trước đây, không có nghĩa đây là vùng đáy.
Nhịp phục hồi ngắn hạn, nếu có, cũng cần phải được xác nhận qua ít nhất 3, 4 phiên giao dịch tích cực, vì thế nhà đầu tư hạn chế tâm lý nôn nóng bắt đáy.
Đà giảm chưa có dấu hiệu kết thúc, chúng tôi vẫn giữ quan điểm là thận trọng trong mọi quyết định giải ngân. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên giữ tiền mặt.
Theo Dau tu chung khoan