Các thị trường tiếp tục diễn ra sự phân kỳ giữa đường giá và khối lượng giao dịch. Điều này cho thấy khả năng thị trường đang hình thành Bulltrap.
Các thị trường tiếp tục diễn ra sự phân kỳ giữa đường giá và khối lượng giao dịch. Điều này cho thấy khả năng thị trường đang hình thành Bulltrap.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/3.
Ngừng mua thêm cổ phiếu
(CTCK Woori CBV)
Thị trường tăng mạnh vào cuối phiên khi kết thúc phiên giao dịch 21/03/2012 chỉ số VN INDEX tăng 5,48 điểm (1,24%) lên 445,77 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 97,7 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch 1.376 tỷ đồng.
Tương tự chỉ số HNX INDEX tăng 1,27 điểm (1,71%) lên 75,66 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 104,3 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 1.088,76 tỷ đồng.
Thị trường tăng điểm ngay từ đầu phiên và đã có lúc gia tốc rất mạnh khiến chỉ số VN INDEX tăng tới gần 10 điểm. Tuy nhiên về cuối phiên, áp lực chốt lời đã khiến cả 2 sàn thu hẹp biên độ giảm điểm.
Dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào các mã thuộc dòng chứng khoán và ngân hàng, khiến cho các mã này có 1 chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ. Ngoài ra một số nhóm ngành khác cũng đem lại lợi nhuận ổn định như ngành sách, ngành than…vv
Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 21/03/2012 có diễn biến tăng điểm ở cả 2 sàn kèm thanh khoản gia tăng so với phiên giao dịch trước đó. Như vậy đà tăng tiếp tục củng cố, tuy nhiên sau những khuyến nghị mua thêm ở những báo cao trước, chúng tôi muốn cổ phiếu an toàn đủ về mặt T+ cùng với việc theo dõi động thái thị trường sắp tới ở đỉnh cũ. Do đó việc khuyến nghị mua thêm được dừng lại sau phiên giao dịch ngày 21/3.
Rủi ro T+4 khá cao
(CTCK BIDV - BSC)
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,48 điểm (+1,24 %) lên 445,77 điểm; HNX-Index tăng 1,27 điểm (+1,71%) lên 75,66 điểm. Khối lượng trên 2 sàn tăng đáng kể với 104 triệu đơn vị trên HNX (5,7 triệu thỏa thuận) và 98 triệu trên HSX (2,4 triệu thỏa thuận).
Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn với 75,4 tỷ đồng trên HSX và 14 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường tiếp tục có 1 phiên tăng điểm ấn tượng. Nhiều cổ phiếu đã tăng bằng hoặc vượt mức đỉnh cũ. Chính vì vậy, khối lượng tăng khá mạnh ngày 21/3 là 1 tín hiệu khá tích cực trong giai đoạn nhạy cảm này nhằm hấp thụ được lượng cung giá cao chốt lời.
Áp lực bán ra khá lớn vào cuối phiên khiến xác suất phiên tới xảy ra sự giằng co hoặc điều chỉnh là khá lớn. Dù lạc quan trong trung hạn, chúng tôi cho rằng, giai đoạn hiện tại là khá nhạy cảm khi cả 2 chỉ số đang “mấp mé” mức đỉnh cũ. Chúng tôi đề cao sự thận trọng khi việc mua vào ở vùng giá này có thể phải chịu rủi ro T+4 khá cao.
Khả năng thị trường đang hình thành Bulltrap
(CTCK Chợ Lớn - CLSC)
Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số đóng cửa cùng tăng điểm với KLGD tăng khá trên cả 2 sàn. So với phiên trước, KLGD khớp lệnh tăng hơn 70% trên HOSE và tăng 33,4% trên HNX.
Thị trường tiếp tục tăng điểm so với phiên trước, nhưng các chỉ số có sự thu hẹp đà tăng khoảng 1% trong 30-45 phút cuối cùng của phiên giao dịch. Điều đáng nói là các chỉ số bị thu hẹp đà tăng khi chạm vào mức kháng cự.
VN-Index đang gặp phải ngưỡng kháng cự 450 điểm tương ứng với các mức điểm cao nhất (High) trong ngày 16 và 19/03.
Trong khi đó, xem xét đồ thị dạng đường (line style) với các mức giá đóng cửa (Close) HNX-Index cũng đang bị kháng cự quanh mức 75,78 điểm. Bên cạnh đó, các thị trường tiếp tục diễn ra sự phân kỳ giữa đường giá và KLGD.
Điều này cho thấy khả năng thị trường đang hình thành Bull Trap. Chúng tôi cho rằng, thị trường có khả năng sẽ giảm điểm trở lại trong các phiên cuối tuần này.
Trong ngắn hạn, HNX-Index đang bị kháng cự tại 75-78 điểm và được chống đỡ tại 66-67 điểm. VN-Index đang bị kháng cự tại 445-450 điểm, và được chống đỡ quanh mức 415-420 điểm.
Dấu hiệu tiêu cực
(CTCK ACB - ACBS)
Ngoại trừ sóng điều chỉnh sau khi mở cửa ít phút, VN-Index liên tục đi lên trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, lực bán mạnh bất ngờ được đẩy vào ở đợt khớp lệnh đóng cửa, lấy đi phần lớn mức tăng của VN-Index.
Cây nến Shooting Star hình thành cho thấy dấu hiệu tiêu cực. Khối lượng giao dịch tăng cũng tăng cường sức mạnh của tín hiệu này.
Trong phiên 21/3, nếu VN-Index mở cửa hoặc đóng cửa thấp hơn mức đóng cửa 20/3, tín hiệu đảo chiều từ mô hình nến sẽ được củng cố và VN-Index có thể mất điểm trong các phiên tới.
Ở chiều ngược lại, nếu vượt qua mức 450, là đỉnh của mô hình Dark-cloud cover và Shooting Star, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục hồi phục về 470-480.
Tương tự, VN30-Index cũng có thể phục hồi về 540-550 nếu vượt mức 512.
Việc bị bán mạnh vào cuối phiên cùng khối lượng giao dịch lớn ngày 21/3 cũng cho thấy dấu hiệu tiêu cực với chuỗi tăng điểm hiện tại của HNX-Index.
Mặc dù vậy, với xu hướng tăng ngắn hạn của HNX-Index, chúng tôi vẫn cho rằng chỉ số này có thể phục hồi về vùng kháng cự 80-82 trong các phiên tới.
Ở chiều ngược lại, HNX-Index có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 69-70.
Khả năng xu hướng tăng bị bẻ gãy trong phiên 22/3 là không cap
(CTCK Mirae Asset)
Hành động bán mạnh vào cuối phiên giao dịch chiều sẽ khiến NĐT tỏ ra thận trọng hơn trong phiên 22/3, tuy nhiên theo chúng tôi nhìn nhận thì hành động này vẫn mang tính chất chốt lãi khi nhiều cổ phiếu dẫn dắt như VND, VCG, KLS… đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua.
Sự thận trọng của NĐT có thể sẽ khiến 2 chỉ số giảm điểm trong phiên 22/3, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, khả năng xu hướng tăng bị bẻ gãy trong phiên 22/3 là không cao. NĐT hạn chế việc bán giá thấp và hành động mua tích lũy giá thấp vẫn nên xem xét thực hiện.
Xu thế tăng nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm khá hưng phấn trong phiên giao dịch ngày 21/3, nếu như VN Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp thì HNX Index nối dài chuỗi ngày đi lên liền nhau của mình lên con số năm.
Tâm lý của các nhà đầu tư có những chuyến biến tích cực rõ rệt, lực cầu khá mạnh dạn nhập cuộc, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chắp cánh cho cả hai chỉ số cùng bứt phá.
Có thể thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định của nền kinh tế nói chung cũng như thị trường nói riêng đã và đang được củng cố, khi mà thông tin về mức tăng CPI trong tháng 3 của Hà Nội và TP. HCM đều ở mức rất thấp thì hoàn toàn có cơ sở để lạc quan vào tình hình lạm phát trong tháng cuối cùng của quý I này.
Tính thanh khoản của thị trường theo đó cũng tăng mạnh so với phiên liền trước đó. Hiện tại chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam, xu thế tăng nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế hơn trong các phiên giao dịch sắp tới.
Các nhà đầu tư có thể xem xét nâng cao tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục, tuy nhiên sự cẩn trọng luôn là cần thiết, nên cân nhắc kỹ đặc biệt trong việc lựa chọn mã cổ phiếu, đón đầu kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I.
Mua đuổi giá chứa đựng nhiều rủi ro
(CTCK FPT - FPTS)
Cùng với diễn biến tăng tốc trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tín hiệu “đánh lên” được đồng loạt phát đi tại hầu hết các mã chủ chốt đã kéo theo đà tăng điểm khá tích cực của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 21/03.
Sức cầu mạnh mẽ trở lại và không ngừng được củng cố đã phá vỡ trạng thái giằng co giữa cung và cầu trước đó. Đồng thời, nó giúp VN-Index nới dài đà tăng điểm từ phiên giao dịch trước. Không khí giao dịch hào hứng, sức cầu đột ngột tăng mạnh tiếp sức cho VN-Index bật mạnh, có lúc tăng tới hơn 9 điểm. Thanh khoản được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, áp lực bán tăng mạnh tại ngưỡng kháng cự 450 điểm một lần nữa khiến cho VN-Index thất bại trong nỗ lực bứt phá hình thành xu thế tăng điểm ngắn hạn.
Quan sát diễn biến phiên giao dịch, có thể thấy, tâm lý nhà đầu tư đã chuyển biến khá tích cực. Điều này có thể lý giải bởi kỳ vọng về lạm phát đã có sự cải thiện sau khi thông tin về CPI các thành phố lớn được công bố cùng dự báo CPI cả nước trong tháng 3 sẽ đạt mức thấp kỷ lục đã phát huy tác dụng. Ngoài ra, phải kể đến một số thông tin hỗ trợ tích cực khác cũng hiện đã được công bố trong vài ngày qua cũng góp phần tạo hiệu quả nâng đỡ thị trường.
Tuy nhiên, nếu xem xét thị trường ở góc độ thận trọng hơn thì áp lực bán ra tại ngưỡng hỗ trợ mạnh 450 điểm cùng khối lượng lớn cổ phiếu được giao dịch trong hai ngày 16 và 17/03 về tài khoản sẽ tạo thành lực cản không nhỏ cho đà tăng của VN-Index trong những phiên tới.
Tâm lý nhà đầu tư dù đã cải thiện hơn trước nhưng vẫn dễ bị dao động và chưa có được sự ổn định cần thiết nếu VN-Index không duy trì được đà tăng mạnh. Theo đó, việc mua đuổi giá cao trong các phiên tiếp theo sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Do đó, nếu chỉ số tiếp tục thất bại trước ngưỡng kháng cự 450 điểm thì diễn biến kế tiếp của đường giá VN-Index nhiều khả năng sẽ là một nhịp giảm sâu.
Áp lực bán ra sẽ tiếp tục mạnh
(CTCK VNDirect - VNDS)
Dù lực cầu của thị trường được duy trì tương đối tốt trong hầu hết phiên 21/3, chúng tôi vẫn lưu ý hiện tượng bán ra rất bất ngờ vào cuối phiên. Việc bán ra này nằm trong dự tính, do index chạm đỉnh cũ, đồng thời nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường nhịp vừa rồi đã tăng quá nóng, áp lực chốt lời rất cao.
Phiên 22/3, áp lực bán ra sẽ tiếp tục mạnh và đây là phiên quan trọng để kiểm chứng sức mạnh của dòng tiền trong nhịp này. Nếu thị trường không bị bán mạnh thì khả năng đi lên vẫn còn. Ngược lại, nếu giảm mạnh về giá sàn thì xác suất rơi vào mô hình hai đỉnh khá cao.
Nếu phiên ngày 22/3 thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư ưu tiên giảm bớt trạng thái cổ phiếu. Nếu lực cầu vẫn thể hiện tốt, với những nhà đầu tư chưa có cổ phiếu thể giải ngân một phần danh mục vào các mã bluechip và ngân hàng của sàn HSX.
Theo DTCK