Sự kiện hot
3 năm trước

Khách sạn Melia Hà Nội: "Vén" màn bí mật nhờ... cổ tức

Chủ sở hữu của khách sạn Melia Hà Nội không phải là công ty đại chúng nên không phải công bố thông tin. Vì vậy, không dễ để biết được hiệu quả của khách sạn này nếu không dựa vào con số cổ tức mà các cổ đông nhận được trong những năm qua.

Từ dự án suýt phải tạm dừng

Khách sạn Melia Hà Nội thuộc Công ty SAS-CTAMAD, liên doanh giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading. Trong đó, HEM sở hữu 35% vốn, 65% còn lại thuộc về SAS Trading.

SAS-CTAMAD cho biết, vào đầu những năm 1990, khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, nhiều công ty nước ngoài đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác. Đây là tiền đề cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường đang lên.

Thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc di dời các cơ sở sản xuất ra xa trung tâm thành phố, Ban lãnh đạo CTAMAD đã ghi nhận nhu cầu của thị trường, tìm kiếm đối tác đắc lực để tận dụng vị trí thuận lợi của nhà máy tại trung tâm thành phố.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 1

Công ty đến từ Thái Lan SAS Trading với quyết tâm xây dựng tại Việt Nam một khách sạn - văn phòng sang trọng đã được chọn là ứng cử viên cho quan hệ đối tác SAS-CTAMAD.

Với mục tiêu chung, SAS Trading và CTAMAD đã nhanh chóng tìm được điểm chung trong dự án xây dựng khu phức hợp tiêu chuẩn quốc tế tại khu đất 44B Lý Thường Kiệt, cách trung tâm Hà Nội - Hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 1 km.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 2
Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 3
Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 4

SAS-CTAMAD được thành lập vào ngày 25/10/1994 với nhiều tham vọng lớn. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu, liên doanh này đã bị "dội một gáo nước lạnh". SAS-CTAMAD cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1996-1997 ở Thái Lan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng dự án, khó khăn chồng chất đến mức có thời điểm dự án suýt phải tạm dừng.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 5

Để giảm bớt phần nào áp lực tài chính, SAS-CTAMAD quyết định đưa vào vận hành một phần dự án, các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thiện dần dần. Tòa nhà HCO được hoàn thành và chào đón khách hàng đầu tiên - Thai Airways - vào năm 1998. Một năm sau, vào tháng 1/1999, khách sạn Melia ở giai đoạn đầu hoàn thành, với 100 phòng đang hoạt động. Cho đến tháng 7/2011, Melia Hà Nội đã có đầy đủ 306 phòng được đưa vào hoạt động như ngày nay.

Thực hiện chính sách đổi mới, vốn hóa doanh nghiệp nhà nước, CTAMAD được chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước và cuối cùng thành Công ty Cổ phần Chế tạo Cơ điện Hà Nội (HEM) từ năm 2009.

Về phía đối tác Thái Lan, cơ hội mới đã xuất hiện khi SAS Trading gia nhập TCC Group. TCC Group là chủ sở hữu của đối tác Thái Lan trong liên danh từ năm 2005.

TCC Group của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Thái Lan. TTC Group có 5 mảng kinh doanh cốt lõi: Thực phẩm và đồ uống (Thaibev); Sản phẩm tiêu dùng (Berli Jucker); Bảo hiểm và tài chính (Bảo hiểm Đông Nam), Bất động sản và khách sạn (TCC Land) và Công nghiệp hóa chất nông nghiệp (Plantheon).

Nơi lưu trú của nhiều yếu nhân trên thế giới

Không lâu sau khi hoạt động, Melia Hà Nội nhanh chóng trở thành một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội. Melia Hà Nội là sự lựa chọn lưu trú của giới kinh doanh và nhiều yếu nhân trên thế giới.

Khi đến Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn như hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha, công chúa nước Anh Anne, công chúa Thái Lan Chulabhorn, công chúa Campuchia Norodom Vacheahra, các thành viên của Hoàng gia Brunei đều đã lựa chọn lưu trú tại Melia Hà Nội. Nhưng phải đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Melia Hà Nội mới trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu.

Vào cuối tháng 2/2019, Hà Nội trở thành nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nơi lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất được truyền thông chú ý. Trong khi ông Trump chọn Sofitel Legend Metropole Hà Nội thì ông Kim Jong Un đặt niềm tin vào Melia Hà Nội.

Thời gian đó, cùng với Metropole Hà Nội, Melia Hà Nội cũng trở thành một trong những khách sạn được quan tâm nhất thế giới.

Cũng giống như Metropole Hà Nội, Melia Hà Nội là khách sạn hạng sang và đắt đỏ. Melia Hanoi có 306 phòng gồm 5 loại chính: Deluxe King (140 phòng), Deluxe Twin (98 phòng), Executive Suite (66 phòng). Các phòng này có mức giá từ 120  2,8 triệu đồng/đêm trở lên.

Tuy nhiên, Melia Hà Nội có những căn phòng giá cao vượt trội như Grand Suite và Presidential Suite. Presidential Suite rộng tới 165 m2, nằm trên tầng 22, nhưng mức giá không được công khai. Tuy nhiên, chắc chắn khách hàng sẽ phải chi hàng nghìn USD để tận hưởng một đêm tại căn phòng sang trọng, xa xỉ bậc nhất này.

Một số khách sạn 5 sao khác tại Hà Nội có mức giá rất "khủng" cho phòng Presidential Suite. Giá tại JW Marriott Hanoi và Sofitel Metropole Hanoi là 162 triệu đồng và 105 triệu đồng. Tại InterContinental Hanoi Westlake là 104 triệu đồng/đêm.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 6

Melia Hà Nội: Một đồng thu, nửa đồng lãi

Liên doanh SAS-CTAMAD chính thức đưa dự án vào kinh doanh từ năm 1998 theo từng phần. Nhưng phải đến năm 2010, tình hình hoạt động của SAS-CTAMAD mới được hé lộ qua HEM.

Trong báo cáo thường niên năm 2010 và 2011, HEM cho biết, trong năm 2010, SAS-CTAMAD đạt 21,7 triệu USD doanh thu và 10,7 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Tới năm 2011, các con số này lần lượt là 20,6 triệu USD và 10,3 triệu USD.

Những năm sau này, HEM không nhắc đến các chỉ tiêu kinh doanh của SAS-CTAMAD. Nhưng số liệu năm 2010 và 2011 cho thấy tỷ suất lợi nhuận tại HEM rất cao, đạt khoảng 50%, nghĩa là 1 đồng doanh thu mang về có thể sinh ra 0,5 đồng lợi nhuận.

Tỷ suất lợi nhuận cao nên SAS-CTAMAD mạnh tay trả cổ tức cho HEM. Tính từ năm 2011 đến nay (số liệu từ 1998 đến 2009 chưa được hé lộ) cho thấy, HEM đã thu về 427,25 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia, cao hơn rất nhiều so với con số 284 tỷ đồng mà HEM phải chi ra để sở hữu 35% vốn tại SAS-CTAMAD.

284 tỷ đồng vốn góp của HEM tại SAS-CTAMAD là con số tương đối vì vốn liên doanh SAS-CTAMAD tính theo USD. Vốn điều lệ SAS-CTAMAD là 22.372.680 USD.

Trong năm 2010, khi tỷ giá USD/VND dao động quanh mức 18.500 đồng/USD, vốn điều lệ tại SAS-CTAMAD đạt khoảng 413 tỷ đồng. Với việc HEM chi ra 284 tỷ đồng để nắm giữ 35% vốn SAS-CTAMAD, giá mỗi cổ phần SAS-CTAMAD đạt khoảng 19.700 đồng.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 7

Rơi từ đỉnh cao

SAS-CTAMAD không là công ty đại chúng nên không phải công bố thông tin. Vì vậy, không dễ để biết được hiệu quả mà khách sạn Melia Hà Nội mang lại. Tuy nhiên, dựa vào những gì mà các cổ đông nhận được, có thể hình dung được bức tranh lợi nhuận của Melia.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của HEM, trong năm 2020, cổ tức và lợi nhuận được chia tại HEM chỉ là 16,1 tỷ đồng, giảm 48,3 tỷ đồng, tương đương 75% so với năm 2019.

Toàn bộ cổ tức trong trong 2 năm qua (16,1 tỷ đồng và 64,4 tỷ đồng) này đều là cổ tức mà SAS-CTAMAD chia cho HEM.

Cổ tức từ SAS-CTAMAD đóng góp rất lớn vào lợi nhuận cho HEM. Trong năm 2019, lợi nhuận của HEM là 84,7 tỷ đồng trong khi cổ tức từ SAS-CTAMAD lên đến 64,4 tỷ đồng. Thời gian này, ông chủ Melia Hà Nội đạt "đỉnh cao" về cổ tức.

Còn năm 2020, lợi nhuận của HEM chỉ là 10,7 tỷ đồng. Nếu không có Melia Hà Nội, HEM đã gánh chịu thua lỗ.

Khách sạn Melia Hà Nội: Vén màn bí mật nhờ... cổ tức - 8

Năm 2020, có lẽ nguyên nhân cổ tức mà SAS-CTAMAD trả cho HEM giảm tới 75% là do Covid-19 gây ra. Giữa đại dịch Covid-19, khách sạn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Melia Hà Nội giảm sâu về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa tích cực, trong khi toàn ngành thua lỗ, SAS-CTAMAD vẫn thanh toán được cổ tức nghĩa là Melia Hà Nội vẫn có lãi. Năm qua, SAS-CTAMAD đã chi cho cổ đông 46 tỷ đồng tiền cổ tức.

Nếu không tính năm 2020, gần đây, bức tranh kinh doanh của Melia rất sáng sủa khi mà cổ tức HEM nhận được từ SAS-CTAMAD đang tăng dần đều. Trong các năm 2017, 2018, con số này lần lượt là 39,9 tỷ đồng và 47,25 tỷ đồng. Năm 2016, 2015 là 61,6 tỷ đồng và 51,8 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2014 và 2013, cổ từ HEM nhận được từ SAS-CTAMAD là 58,8 tỷ đồng, 42,6 tỷ đồng. Các con số này trong năm 2012 và 2011 là 23 tỷ đồng và 21,8 tỷ đồng.

Có thể thấy, ông chủ Melia Hà Nội đạt đỉnh cao cổ tức trong năm 2019 rồi sau đó "rơi" mạnh do ảnh hưởng của Covid-19.

Vân Khánh
Theo Dân trí

Từ khóa: