Khu vực Đông Bắc Việt Nam là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây chè, với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào. Nhờ đó, vùng đất này đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất chè lớn nhất cả nước.
Khu vực Đông Bắc Việt Nam có 8 tỉnh trồng chè với diện tích lớn, tổng diện tích toàn vùng là trên 71 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng gần 500 nghìn tấn chè búp tươi, sản lượng chè khô đạt trên 120 nghìn tấn. Diện tích chè của Đông Bắc lên đến hơn 71 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 500 nghìn tấn. Các loại chè chủ yếu của Đông Bắc bao gồm chè xanh, chè đen, chè Shan tuyết.
- Chè xanh là loại chè được sản xuất phổ biến nhất ở Đông Bắc. Chè xanh Đông Bắc có hương thơm dịu, vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh.
- Chè đen là loại chè được sản xuất từ chè xanh bằng cách lên men. Chè đen Đông Bắc có màu nâu đậm, hương thơm đậm đà, vị chát đậm.
- Chè Shan tuyết là loại chè đặc sản của vùng núi cao Đông Bắc. Chè Shan tuyết được trồng trên những cây chè cổ thụ, có hương thơm nồng nàn, vị chát đậm đà.
Những thương hiệu chè Đông Bắc nổi danh
Chè Đông Bắc đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Một số thương hiệu chè nổi tiếng của Đông Bắc bao gồm:
Vùng chè Shan tuyết Hà Giang
Hà Giang là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước, với tổng diện tích trên 20.367 ha, đứng thứ 3 sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết chiếm tới hơn 91%, với gần 19.000 ha, tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang.
Chè Shan tuyết Hà Giang nổi tiếng với hương vị thơm ngon, tinh khiết, được ví như "nữ hoàng của các loại trà". Chè Shan tuyết được trồng hoàn toàn tự nhiên, trên những vùng núi cao, hiểm trở, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp.
Chè Shan tuyết Hà Giang được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, như: chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ Nhĩ, hồng trà. Các sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,...
Vùng chè Phú Thọ
Phú Thọ là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước; diện tích chè toàn tỉnh là 15,4 nghìn ha, trong đó có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn;năng suất chè búp tươi đạt 122,5 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 185,2 nghìn tấn.Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Phù Ninh... Toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn. Diện tích các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng, hình thành và phát triển 142 vùng sản xuất chè xanh tập trung với diện tích 3,25 nghìn ha.
Toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.Hệ thống cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển, với sản lượng chế biến bình quân khoảng 60 nghìn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm chè (chè xanh, chè đen) của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan, Nga…
Công tác quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chè được các cấp ngành đặc biệt quan tâm, đến nay tỉnh Phú Thọ có 18 sản phẩm chè đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm chè hạng 4 sao; năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu“Chè Phú Thọ”góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh.
Vùng chè Thái Nguyên
Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước, với ưu đãi về thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho phát triển cây chè. Năm 2022 toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè Trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Công tác trồng chè được các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế bình quân trên 500 ha chè mỗi năm. Đến nay tỷ lệ giống mới đạt 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, 137 hợp tác xã với sản lượng qua chế biến đạt 52.000 tấn/năm, chủ yếu là sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao, cung cấp chủ yếu cho thị trường nội địa và thị xuất khẩu các nước như: Pakistan, Afghanistan, Ấn độ, Indonesia, Iran… Đến năm 2022 toàn tỉnh đã có 120 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP (trong đó 01 sản phẩm đạt 5 sao và 119 sản phẩm đạt từ 3-4 sao)
Vùng chè Tuyên Quang
Tuyên Quang tập trung phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực sẵn có của địa phương để phát triển chè theo hướng an toàn, bền vững và đa dạng hoá về chủng loại, phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Năm 2022 diện tích chè toàn tỉnh là trên 8.373 ha,tập trung tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang và vùng chè Shan tuyết tại huyện Na Hang, Lâm Bình với diện tích trên 1.333 ha; năng suất 85,3 tạ/ha, sản lượng 69.126 tấn. Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 1.246 ha.
Sản phẩm chè của Tuyên Quang hiện nay chủ yếu là chè đen CTC và chè xanh. Hiện nay, sản phẩm chè Tuyên Quang đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra một số nước thuộc khu vực EU hoặc trực tiếp qua các nước Srilanka, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Mỹ, Trung Quốc... Trong đó, sản phẩm chè xanh chủ yếu là nội tiêu, 100% sản phẩm chè đen xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Vùng chè Bắc Kạn
Tỉnh Bắc Kạn có diện tích trồng chè là 1,728 nghìn ha với sản phẩm chè nổi tiếng là chè đặc sản Shan tuyết Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn).Năm 2018, Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể.Hiện toàn tỉnh có 28 sản phẩm chè/trà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao…
Vùng chè Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh có diện tích vùng sản xuất chè tập trung là trên 1.000 ha, sản lượng 9.630 tấn; diện tích liên kết chuỗi đạt 500 ha, sản lượng ước đạt 5.300 tấn. Vùng có diện tích trồng chè lớn của tỉnh là huyện Hải Hà với gần 800ha chè (Toàn huyện Hải Hà có 4 doanh nghiệp và một số cơ sở nhỏ lẻ chế biến chè).
Sản phẩm chè nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh là Chè Đường Hoa (huyện Hải Hà), hiện sản phẩm đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý; tham gia Chương trình OCOP và được xếp hạng 4 sao. Ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, địa phương huyện Hải Hà cũng đang tập trung tìm thị trường tiêu thụ ở một số nước khác và tăng thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó khai thác thị trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Chè là một sản phẩm đặc trưng của vùng đất này. Với vẻ đẹp và hương vị của đất trời, chè Đông Bắc đã trở thành một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống