Chiếc siêu xe có tên Curiosity này chạy bằng năng lượng nguyên tử, dò đường bằng laser và có khả năng thay đổi chiều cao của bánh để có thể di chuyển trên nhiều địa hình.
Chiếc siêu xe có tên Curiosity này chạy bằng năng lượng nguyên tử, dò đường bằng laser và có khả năng thay đổi chiều cao của bánh để có thể di chuyển trên nhiều địa hình.
Curiosity dài 3m, nặng 900 kg, lấy cảm hứng từ những chiếc xe tải 6 bánh loại nhỏ nhưng “tối tân” hơn gấp nhiều lần. Quá trình thiết kế chiếc xe thực hiện sứ mệnh đặc biệt này không được tiết lộ, chỉ biết rằng nó là một thứ “phức tạp và tinh tế nhất” mà NASA từng đặt sản xuất. Theo đó, toàn bộ dự án nghiên cứu, thử nghiệm và đưa Curiosity lên thăm "người láng giềng" của Trái Đất đã tiêu tốn của NASA 2,5 tỉ USD.
Curiosity đã bắt đầu "chiến dịch thế kỷ" của mình từ cuối tháng 11/2011, kéo dài trong vòng 2 năm (có thể lâu hơn). Không giống như những cỗ máy thông thường khác, nếu hỏng có thể sửa, các linh kiện cấu thành lên Curiosity đòi hỏi độ chính xác một cách tuyệt đối.
Cụ thể, khung gầm của xe được làm bằng titan, bánh xe linh động, đường kính 20 inch có thể thay đổi độ cao để di chuyển trên nhiều địa hình (có khả năng vượt qua những chướng ngại vật cao khoảng gần 1m). Trong khi đó, hệ thống laser của nó vừa có nhiệm vụ định hướng, vừa chịu trách nhiệm phân tích và tìm hiểu kết cấu bề mặt của Sao Hỏa.
Để đảm bảo khả năng di chuyển trong suốt 2 năm trên những địa hình không lường trước, xe được trang bị động cơ hạt nhân siêu mạnh. Hệ thống động cơ này có khả năng cung cấp năng lượng cho chiếc xe trong vòng 14 năm mà không gây bất cứ hỏng hóc gì.
Cũng do khối động cơ "hàng khủng" này, cân nặng của chiếc xe bị đội lên khá nhiều (900 kg), do đó xe chỉ có thể di chuyển một quãng đường tương đương 200 mét/ngày. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, trong vòng một năm “thăm thú” trên Sao Hỏa (tương đương 687 ngày trên Trái Đất), chiếc xe này sẽ chỉ phải di chuyển một quãng đường khoảng 19km, quanh một vị trí trên Sao Hỏa đã được các nhà khoa học tính toán sẵn có tên là Gale Grater.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình, Curiosity được trang bị thêm 3 cách tay robot, mỗi cánh dài khoảng 2m, trên đó là những camera cực nhạy có thể ghi lại một cách rõ nét những vật thể nhỏ hơn cả sợi tóc và nhiều thiết bị khoa học khác nhằm phục vụ cho quá trình phân tích tạm thời các mẫu vật trên hành tinh “hàng xóm” của Trái Đất.
Mặc dù là hành tinh gần trái đất nhất nhưng khoảng cách từ “hành tinh đỏ” đến chúng ta cũng là 55,7 triệu km (lúc hai hành tinh ở gần nhau nhất theo chu kỳ quay quanh mặt trời) và lên tới 400 triệu km khi hai hành tinh ở xa nhau nhất. Do đó, Curiosity sẽ phải mất khoảng 8 tháng rưỡi để chinh phục "hành tinh đỏ".
Hải Đăng
Theo Infonet.vn