Sự kiện hot
4 năm trước

Khánh thành đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Sáng 11/10, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát lệnh thông xe dự án xây dựng đường Vành đai 3 trên cao (cầu cạn) TP.Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đã được hoàn tất sau 2 năm 4 tháng thi công.

Dự án xây dựng đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long) do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư có dài 5,36km, tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng.

Công trình có tổng chiều dài 5,367 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4 m. Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100 km/h.

Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo Hà Nội thực hiện nghi thức gắn biển đường vành đai 3 trên cao. (Ảnh: Dân việt)
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT và lãnh đạo Hà Nội thực hiện nghi thức gắn biển đường vành đai 3 trên cao. (Ảnh: Dân việt)

Trong thiết kế ban đầu được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh ramp ra vào tuyến đường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt bổ sung 6 nhánh ramp lên xuống (trái tuyến 3 nhánh và phải tuyến 3 nhánh) tại các khu vực gần ngã tư Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế và Tân Xuân.

Các nhánh ramp này sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi công trình thông xe và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/4/2021 để kết nối giữa cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và khu vực xung quanh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.

“Tôi đặc biệt biểu dương các nhà thầu, tư vấn giám sát, các kỹ sư, công nhân, lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu, lao động làm việc ngày đêm để triển khai dự án, một công trình có quy mô lớn, sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đã được hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo Phó thủ tướng, tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có vị trí quan trọng đối với giao thông TP.Hà Nội. Cùng với các tuyến đường bộ hướng tâm, tuyến đô thị và tuyến vành đai khác trong khu vực, đoạn tuyến Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hơn đường Vành đai 3 TP.Hà Nội dài khoảng 65km, từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, hiện đại kết nối giữa các tỉnh phía Bắc với TP.Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận, tạo động lực phát triển KT-XH của các khu vực này.

Nguồn dự phòng trong tổng mức đầu tư không dùng đến và nguồn kinh phí tiết giảm được trong quá trình thực hiện dự án bằng các giải pháp kỹ thuật tối ưu, sau khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục, dự án vẫn còn dư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Để tối ưu hóa hiệu quả công trình, hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư từ dự án để đầu tư bổ sung xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt, đồng thời mở rộng cầu Mai Dịch thêm mỗi bên 7m để khai thác đồng bộ toàn tuyến Vành đai 3 trên cao từ Bắc Hồ Linh Đàm - Nam Thăng Long.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: