"Nếu nghe anh Khánh “trắng” sắp đặt, vừa được yên ổn, lại có tiền bồi thường. Nếu kiện thì không có gì hết…”.
"Nếu nghe anh Khánh “trắng” sắp đặt, vừa được yên ổn, lại có tiền bồi thường. Nếu kiện thì không có gì hết…”.
“Khánh “trắng” có quá nhiều mối quan hệ phức tạp”, Đại tá Hữu Ngọc, khi điều tra vụ án này đã khẳng định như vậy. Đó là những mối quan hệ của Khánh “trắng” với giang hồ, với một vài quan chức khi đó. Đại tá Ngọc cũng cho biết thêm, nếu không có những mối quan hệ phức tạp đó, Khánh “trắng” không thể núp bóng Nghiệp đoàn bốc xếp ở một cái chợ rồi tung hoành ngang dọc, nhuốm đầy tội lỗi như thế. Nạn nhân của Khánh “trắng” ngày ấy khá nhiều. Họ đã phải cam chịu sự lưu manh của “ông trùm” này chỉ vì miếng cơm, manh áo đời thường.
“Bạn thân” của nhiều quan chức, cán bộ công an
Chẳng cần đàn em của Khánh “trắng” kể thì dư luận cũng biết, sở dĩ Khánh “trắng” có thể làm mưa làm gió một thời như thế là do hắn có nhiều “bạn thân” là quan chức, cán bộ Công an, đặc biệt là ở địa bàn hoạt động của hắn.
Sau khi Khánh “trắng” bị bắt, việc hàng loạt quan chức, cán bộ Công an bị kỷ luật, thậm chí buộc thôi việc, bị khởi tố điều tra không làm dư luận lạ lẫm. Người ta chỉ tò mò rằng, những quan chức, cán bộ Công an đó đã “nuốt” bao nhiêu tiền của Khánh mà phải đổi cái giá đắt như vậy?
Có thật sự là họ “ngây thơ”, “tin người”, “giúp đỡ” Khánh “trắng” như họ khai nhận không? Khó ai tin được điều đó. Dù những cán bộ này không nhận tiền, quà biếu của Khánh “trắng” thì họ cũng mắc bệnh quan liêu. Bởi chỉ cái Nghiệp đoàn bốc xếp ở một trong những chợ ở Hà thành thôi, sao lại được giao nhiều “trọng trách” đến thế, lại còn vinh danh một con người có quá khứ đầy tội lỗi với bộ mặt khó hướng thiện?
Chợ Long Biên từng là địa bàn "thuộc quyền quản lý" của Khánh "trắng"
Khi trao đổi với PV, Đại tá Hữu Ngọc khẳng định: “Trong vụ Khánh “trắng”, có nhiều tài liệu liên quan đến quan chức chính quyền địa phương quận, Công an và Tổng Liên đoàn Lao động. Khi thực hiện vụ án, điều tra viên có tài liệu cụ thể về một vị là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất khăng khít với Khánh “trắng”. Sau này, khi lật lại một số vụ án mà Khánh “trắng” từng tham gia “chạy án” thì mới “đụng” đến Công an. Ai sai thì đã phải chịu hình thức xử lý thích đáng rồi”.
T “con” tâm sự: “Không chỉ tôi mà nhiều anh em là em của anh Khánh đều bất ngờ trước cách cư xử của một số quan chức đã từng là “bạn thân” của anh Khánh. Sau khi anh Khánh bị bắt, một số anh em chưa bị bắt, ra đường, có việc gì đó gặp “bạn thân” của anh Khánh, họ đều lánh mặt.
Nếu buộc phải gặp thì họ coi như không quen biết, thậm chí quát mắng bằng những lời lẽ thiếu văn hóa. Họ còn nói rằng: “Đừng tưởng mày là đàn em của Khánh “trắng” mà muốn làm gì thì làm nhé. Chúng mày hết thời rồi”. Trong khi đó, đàn em của anh Khánh chưa hề xưng danh, mới chỉ chào chứ đâu nói gì thêm. Có người, biết không “ăn” được, đem quà, tiền đến trả nhưng anh em tôi không nhận lại. Nhiều “bạn thân” của anh Khánh còn nhân cơ hội anh ấy đang ở trong tù, cứ gọi quân mang tiền đến, nói rằng, để “chạy” cho anh Khánh. Lúc đó đàn em bối rối, thấy có “người tốt giúp đỡ” đàn anh, ai chẳng cố mà vét tiền để lo. Sau đó, biết bị lừa, nhưng anh em chúng tôi bảo nhau “án binh bất động”, “làm gì” bây giờ thì tội chỉ nặng thêm thôi”.
Rối ren trong quan hệ băng nhóm
Trao đổi với PV về những chuyên án của đời mình, trong đó có chuyên án phá băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Khánh “trắng” cầm đầu, Tướng Phạm Xuân Quắc cho biết: “Khánh “trắng” và Năm Cam có quan hệ không sâu. Chúng chỉ biết nhau vì cùng là giang hồ ở hai thành phố lớn. Hoạt động của băng nhóm Khánh “trắng” khác với bản chất hoạt động của Năm Cam. Năm Cam phần lớn là hoạt động cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhà hàng, bảo kê… Còn Khánh “trắng” thì chuyên về các hành vi trấn lột, cướp, đe dọa để lấy tiền và cũng cho vay nặng lãi. Khánh “trắng” cũng bảo kê nhưng chỉ là bảo kê chỗ để hàng, vỉa hè, lòng đường. Năm Cam và Khánh “trắng” có gặp nhau nhưng không tìm được “tiếng nói chung” nên không có sự hợp tác làm ăn. Ngày đó, Năm Cam gặp Khánh “trắng” trong chuyến ra Bắc để hội ngộ với đàn em kết nghĩa là Dung Hà ở Hải Phòng”.
Khánh “trắng” không có bất kỳ mối quan hệ nào với băng nhóm ở Hải Phòng, nhưng lại có nhùng nhằng với một số nhóm tội phạm ngay tại Hà Thành. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, băng nhóm Phúc “bồ” khá tiếng tăm ở Hà thành. Giữa hai bên có sự phân định ngầm về danh giới hoạt động, cũng như lĩnh vực hoạt động. Phúc “bồ” không ưa, không phục gì Khánh “trắng” và ngược lại. Song, nếu cần phải hợp tác để bảo vệ “danh tiếng” và kiếm được món hời lớn thì hai bên sẽ “đàm phán” để thực hiện.
T “con” kể: “Khoảng giữa năm 1993, một cuộc chiến nảy lửa đàn em của Khánh “trắng” với đàn em của Phúc “bồ” không phân chia thắng bại nên từ đó, hai bên cũng khá “vênh” nhau, dù bề ngoài tỏ ra hữu hảo, bằng mặt. Với một số băng nhóm khác, băng nhóm của Khánh “đụng độ” thường xuyên, bởi trong giang hồ một ngày có nhiều chuyện để có thể va chạm nhau. Lần đầu tiên V “lỳ” chạm với nhóm của S “bt”, bị S “bt” cho nhiều “bài học” quá nên cũng biết hãi. Vì không trực tiếp “đụng độ” bao giờ nên anh Khánh hay có thói coi thường đối thủ. Anh Khánh coi thường để kích lệ anh em thì cũng tốt thôi, nhưng không hiểu đúng “sức mạnh” của đối thủ thì rất khó thắng hay vận động được họ “quy phục” theo mình. Chính vì cái thói ngông của anh Khánh nên anh ấy có nhiều kẻ thù”.
Tôi hỏi: “Anh em thân cận không tư vấn, tham mưu cho Khánh à?” – T “con” thừa nhận: “Chúng tôi không thể tham mưu cho anh Khánh đâu. Anh ấy quyết làm gì là làm bằng được. Cái tính ấy, đôi khi rất có lợi nhưng nhiều khi không hợp với giang hồ lắm. Nếu gặp đối thủ “ngang cơ” hoặc “trên cơ” thì rất khó “trị”. Dù sao thì anh Khánh cũng hợp thời, nếu không thì không tồn tại được lâu đến thế”.
Những nỗi đau dai dẳng của các nạn nhân
T “con” thừa nhận, hoạt động của Nghiệp đoàn bốc xếp ngày ấy tạo ra rất nhiều nạn nhân. Họ phải chấp nhận, bởi thời thế là vậy, bởi miếng cơm, manh áo của cuộc sống thường nhật cần thiết hơn. Có những nạn nhân, rất ấm ức, tức giận nhưng không dám làm gì bọn anh Khánh, chỉ xin và xin. Có những người vô cớ bị vướng vào danh sách nạn nhân, vì họ không biết. Họ chỉ vô tình đến làm công ăn lương cho chủ mà thôi. Ngày ấy, T “trọc”, L “nổ”, V “đồng” là có thành tích gây hấn nhiều nhất. Danh sách những nạn nhân bị ảnh hưởng, bởi những cuộc gây hấn ấy mỗi ngày một dài, có cả phụ nữ, trẻ em. Nhưng tất cả đều im lặng. Họ sợ cái bóng, cái thế lực đằng sau của Khánh “trắng” chứ không phải đàn em của hắn.
H. N là nạn nhân vì được đàn em của Khánh “trắng” yêu. Cô gái học lớp 12 ngày ấy vẫn đeo cặp đến giúp mẹ phụ bán hàng trong chợ Đồng Xuân đã vào “tầm ngắm” của P – đàn em của Khánh “trắng”. Tán tỉnh H. N mãi không được, P quay sang gây khó khăn cho công việc kinh doanh tại chợ của mẹ H. N.
P đểu giả đến mức, khi mẹ của H. N khuyên con đồng ý yêu P rồi, P lại lật lọng. P rêu rao H. N là gái mại dâm để H. N không dám đến trường học, không dám ra ngoài đường. Sau đó mẹ H. N phải đưa con đi đến bác sĩ tâm lý để điều trị trầm cảm. Khi H. N đỡ bệnh, người mẹ lặng lẽ bán tháo quầy hàng và âm thầm chuyển nhà đi nơi khác để bảo vệ tính mạng cho con.
Mẹ, vợ và anh trai Đ – nạn nhân của Khánh “trắng” cũng đã từng sống trong sợ hãi nhiều năm tháng. Anh Đ bị Khánh “trắng” đâm chết trên xe xích lô nhưng sau đó, Khánh “trắng” “dàn dựng” để cho đàn em nhận tội. Không bị bắt, Khánh “trắng” tăng sức ép lên gia đình, người thân của anh Đ, đến nỗi, thời gian sắp đưa ra vụ án xét xử, chẳng ai dám đi ra khỏi nhà khi trời tối. Anh H, anh trai nạn nhân Đ cho biết: “Ban ngày đi ra đường chúng tôi không dám đi một mình, vừa đi, vừa nhìn trước, ngó sau xem có gì nguy hiểm không để tránh, để chạy. Thật khốn khổ, ngày ấy, ở nhà chúng tôi cũng không yên thân. Khánh “trắng” cho đàn em đến “quậy” suốt. Chúng nói rằng: “Bây giờ chúng tao không thèm giết mày (tức anh H) nữa, giết thằng Đ là đủ rồi. Giết mày thì đơn giản như giết một con chó, giết làm gì cho bẩn tay. Mày phải sống để biết sợ, đừng có kiện cáo gì mà thêm tội. Cứ nghe anh Khánh “trắng” sắp đặt, vừa được yên ổn, lại có tiền bồi thường. Nếu kiện thì không có gì hết…”.
Đời sống & Pháp luật