ĐS&TD - GS.TS Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nhận xét: Nếu không có khát vọng vì sức khỏe người nghèo của vợ chồng bà Bùi Kim Nga, cây Hoàn Ngọc vẫn chưa được đầu tư nghiên cứu bài bản”.
Vườn ươm khép kín trồng cây Hoàn Ngọc tại DN 7 Nga Tây Ninh
Tố chất của người đầu tư là yếu tố quan trọng
Sau khi đi thực tế vườn trồng và nhà xưởng chế biến theo quy trình hiện đại của DNTN Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh, GS.TS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Trước đây, dược sĩ Phạm Khuê đã viết một bài ngắn về tác dụng của cây Hoàn Ngọc để phổ biến cho người dân. Ông mong người dân nghèo có thể sử dụng cây này để phòng chữa bệnh. Dược sĩ Phạm Khuê từng dùng hiệu quả lá cây này khi ở trong rừng Trường Sơn và nhìn thấy khỉ thường ăn lá cây này nên gọi là cây Tú Lình. Mẹ tôi cũng đã từng sử dụng lá cây trị bệnh đường ruột hiệu quả. Và chính mẹ tôi đã gợi ý nghiên cứu về tác dụng của cây này”.
Ít lâu sau, GS.TS Nguyễn Văn Hùng đã xin nhà nước để thực hiện đề tài nghiên cứu, nhưng lúc đó nhiều nhà khoa học phản bác và hội đồng khoa học chỉ chấp nhận cấp kinh phí để thực hiện… 20 triệu đồng. Với khoản kinh phí ít ỏi này, GS.TS Hùng chỉ thực hiện nghiên cứu, khảo sát một số yếu tố liên quan đến hoạt chất trong cây Hoàn Ngọc.
Như một cơ duyên, ít lâu sau, khoảng năm 2005- 2006, vợ chồng bà Bùi Kim Nga - GĐ DNTN Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh đã ra Hà Nội gặp các nhà nghiên cứu hoá dược đề nghị phối hợp nghiên cứu hoạt chất từ Hoàn Ngọc, sau khi họ tự mình mày mò tạo sản phẩm dạng trà. “Dựa vào cơ sở đó chúng tôi nghiên cứu sâu hơn, bài bản hơn. Thành công ngày hôm nay, tạo ra được nhiều sản phẩm tiện dụng, phát hiện được nhiều hoạt chất quý trong cây Hoàn Ngọc, Nhà nước đã ghi nhận và đầu tư kinh phí để thực hiện đề tài và dự án… chủ yếu là công lao của doanh nghiệp này, đặc biệt là từ kỳ vọng cao đẹp của bà Bùi Kim Nga. Các nhà khoa học biết cây này có tác dụng với sức khỏe mà lại không đi đến cùng, mà phải để khi một doanh nghiệp tư nhân mày mò sản xuất, tự bỏ kinh phí để đề xuất nghiên cứu thì mới làm tới nơi tới chốn, chính tôi cũng cảm thấy xấu hổ” – ông Hùng thẳng thắn nhìn nhận.
Theo ông Hùng - người theo dõi, chứng kiến từ đầu những bước đi của doanh nghiệp – các sản phẩm từ cây Hoàn Ngọc sẽ dần nâng giá trị về chất lượng. “Thật may mắn khi có những người như anh chị Bảy Nga. Tố chất của anh chị là yếu tố rất quan trọng. Nếu không có tâm huyết đầu tư của họ, rất khó có được đa dạng sản phẩm phòng – trị bệnh như hiện nay.
Thăm vùng trồng, nhà xưởng, chứng kiến công việc hàng ngày của anh chị ấy, tôi thật sự khâm phục. Vợ chồng chị ấy đã dồn hết tài lực, sức lực để lấy tiền đầu tư nghiên cứu khoa học, đầu tư cho ra sản phẩm. Gần 10 năm trời gian truân như vậy, khó ai có thể làm được”.
Tấm gương cho ngành hóa dược
Nói về sự năng động, độ nhạy bén của các nhà khoa học, ông Hùng cho rằng, cần phải thay đổi nhiều: “Khi chúng tôi ra được kết quả đầu tiên và thông báo thì trước đó Thái Lan đã trồng và công bố một bài báo khoa học về cây Hoàn Ngọc, dù bài báo mới chỉ ra được hai điểm tác dụng mạnh của lá cây Hoàn Ngọc: hỗ trợ tim mạch và tiểu đường. Hai vấn đề này họ phát hiện ra thì mình có cái cớ phát triển thêm, có niềm tin để làm tiếp chứ lúc đầu thật sự cũng lo ngại. Kết qủa như ngày hôm nay, trên cả mong đợi” .
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Hùng, thổ nhưỡng Tây Ninh rất hợp cho cây Hoàn Ngọc phát triển và đạt hàm lượng hoạt chất cao. Cây này mà trồng ngoài Bắc, phát triển rất tốt, vươn lên cao có khi đến cả nóc nhà nhưng hoạt chất thấp. Tây Ninh khí hậu không quá nóng, không quá ẩm nên cây Hoàn Ngọc sinh trưởng, phát triển với hàm lượng hoạt chất cao. Ông Hùng tâm sự: “Tôi đã nói với rất nhiều người, anh chị Bảy Nga là những người rất có duyên với khoa học. Là những người không phải trong giới khoa học nhưng triển khai đề tài khoa học rất bài bản, chỉn chu, nếu đề tài này vào tay người khác hoặc cơ quan nào đó có thể sẽ thất bại, hết kiểm tra này kiểm tra kia, cuống cuồng lên khó mà đi đến cùng. Vì tư nhân nên quyết nhanh gọn, và vì chị Bảy Nga quyết đoán, quyết tâm nên mọi việc mới diễn ra thuận lợi như thế”.
Là nhà khoa học về hóa dược, GS.TS Hùng cho rằng, vợ chồng bà Bảy Nga là một tấm gương trong ngành công nghiệp hóa dược. Thực tế, có không ít người làm khoa học, dành cả đời nghiên cứu nhưng không tìm ra một chất riêng để đứng tên mình. Trong khi đó, chị Bảy Nga đã đầu tư nghiên cứu, phát hiện ra một hợp chất mới Diepoxylignan và được đặt tên là PALATILIGNAN BNGATN.
Chất này hoàn toàn mới chưa có trong danh mục hoạt chất thuốc, đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. DN đã xây dựng được một dây chuyền khép kín hiện đại, từ khâu nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm. Điều đang nói, DN còn biết tận dụng nhiều phần khác của cây Hoàn Ngọc, sau khi chọn lọc các dược chất để tăng giá trị của dược liệu, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ví dụ: bã cây làm phân vi sinh bón cây, giâm cành; túi trà sau khi dùng xong có thể tận dụng làm phân bón cho cây phong lan. Vì bã trà này có độ xốp, giữ ẩm tốt…