|
(Ảnh: Chí Hiếu) |
Nghiên cứu phòng ngừa để hành khách không mắc kẹt chân ở ga đường sắt
Năm 2017, nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã mở cửa cho người dân vào tham quan. Đáng chú ý, khi tham quan, người dân đã phản ánh về khe hở giữa ke ga và thân tàu khá lớn.
Những ngày gần đây, tàu đường sắt Cát Linh đã vận hành thử và sẽ khai thác thương mại sau 3 - 6 tháng sau.
Liên quan đến sự kiện đó, không ít người dân băn khoăn rằng khe hở nêu trên đã được khắc phục hay chưa bởi theo người dân, khe hở này có khả năng gây nguy hiểm cho hành khách nếu sơ ý.
Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết đây là yếu tố liên quan đến vấn đề an toàn và cần giải thích rõ để... người dân yên tâm.
Cụ thể, vị đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay, trong quy phạm thiết kế, khe hở này có thể rộng đến 8 cm.
"Trên thế giới, nhiều tuyến đường sắt, nhiều dự án cũng có những khe hở tương tự", ông Phương cho biết.
Ngoài ra, ông Phương cũng thông tin thêm, đơn vị này cũng nhận thấy khe hở này tương đối rộng.
"Khi đoàn tàu chưa đặt vào vị trí chính thức, căn chỉnh độ nghiêng... thì khe rộng hơn.
Khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào chính thức thì việc này sẽ được đưa vào đúng quy phạm", đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết.
Đối với ý kiến cho rằng trẻ em có thể mắc kẹt chân, ông Phương cho biết Ban QLDA đã chỉ đạo Tổng thầu nghiên cứu thêm giải pháp phòng ngừa.
Tiến độ các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội như thế nào?
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tầm nhìn quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.
Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 km.
Tuyến số 2: Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A.
Tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km.
Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.
Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Chiều dài khoảng 34,5 km.
Tuyến số 6: Nội Bài - Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội. Chiều dài khoảng 43 km.
Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới phía Tây Nhổn - Vân Canh - Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài khoảng 35 km.
Tuyến số 8: Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá. Chiều dài khoảng 28 km.
Hiện tuyến số 3 cơ bản hoàn thành đoạn Nhổn - Cầu Giấy (đoạn trên cao) và thời gian tới thực hiện đoạn Cầu Giấy - Ga Hà Nội (đoạn đi ngầm). Dự kiến năm 2022 sẽ đưa vào khai thác.
"Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt số 5, có thể kết nối tuyến số 2 và số 3 nếu được Thủ tướng thông qua", ông Tuấn cho biết.
Được biết, theo đề án của TP thì đến năm 2030 sẽ tạm dừng xe máy ở khu vực nội đô. Từ năm 2019 - 2030 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hết cả 8 tuyến.
Lam Hải
Theo Đời sống & Pháp lý