Tôi có vài dịp đi du lịch nước ngoài. Nếu việc đi tham quan nơi này nơi nọ hay học hỏi cách người nước ngoài làm du lịch luôn mang lại nhiều điều thú vị, thì có một điều luôn gây nên những lợn cợn suốt chuyến đi.
Tôi có vài dịp đi du lịch nước ngoài. Nếu việc đi tham quan nơi này nơi nọ hay học hỏi cách người nước ngoài làm du lịch luôn mang lại nhiều điều thú vị, thì có một điều luôn gây nên những lợn cợn suốt chuyến đi.
Đó là những thuyết minh của một vài hướng dẫn viên (HDV) du lịch trong nước đi kèm theo tour.
Hướng dẫn viên phải giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, đất nước, con người VN với du khách. Trong ảnh: hướng dẫn viên Nguyễn Văn Thành (phải) đang thuyết minh cho du khách VN tại Nhật - Ảnh: L.Nam
Lần đó ở Paris, khi xe đi qua một cây cầu dài, HDV lên tiếng: “Các anh chị để ý nhé, cây cầu này rất dài, có rất nhiều nhịp nhưng xe chạy hoàn toàn êm ru. Không như ở VN mình, khi xe chạy qua cầu, sau mỗi nhịp là tưng lên một cái, thấy oải”. Khi đi thuyền trên sông Seine (Paris), HDV liền đề cập đến kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn:
“TP.HCM có ý tưởng muốn biến con kênh Nhiêu Lộc thành con kênh du lịch như con sông Seine này nhưng không biết mấy đời nữa mới làm được”.
Lần khác ở tháp đôi Petronas (Malaysia), HDV nhắc nhở: “Khách du lịch tham quan ở đây rất đông, quý vị nhớ đi theo đoàn. Mà nếu có lạc cũng dễ tìm người Việt mình lắm, cứ thấy ai chỉ đi xem mà không dám mua gì thì đó là người VN”. Hay đi trên đường phố sạch sẽ ở Singapore, HDV giới thiệu: “Ở đây phạt rất nặng tội xả rác nơi công cộng. Cho nên nếu cầm trong tay miếng rác mà phải đi rất xa mới gặp thùng rác để bỏ, người dân vẫn tuân thủ. Dân mình thì không kiên nhẫn đến vậy đâu, nhìn quanh quất không thấy ai là alê vứt”...
Nghĩa là mỗi lần giới thiệu về cái gì đó ở nước ngoài, các HDV này đều có thói quen liên tưởng đến cái tương tự ở VN nhưng đều là những liên tưởng xấu với cách nói chê bai, coi thường, thậm chí khinh miệt. Và nếu trong đoàn du lịch lúc đó có ai có cùng tư tưởng với họ, hưởng ứng theo lời họ thì những liên tưởng ấy được thêm thắt nhiều hơn, nặng đô hơn kèm theo những tràng cười đắc chí.
Đó là những lời bình phẩm khó nghe. Tôi không biết các công ty du lịch khi đào tạo một HDV có trang bị cho họ đầy đủ kiến thức để trước tiên hiểu rằng mình là một người dân Việt hay không. Nghĩa là họ cũng được sinh ra, được nuôi nấng ăn học và làm việc tại đây, vậy tại sao họ không thể có một chút tình yêu quê hương đất nước, lòng thương và đồng cảm cùng dân mình, không thể có những suy nghĩ tự tin hay những niềm hi vọng vào tương lai quê nhà?
Chúng ta đi du lịch đến những nước có nền kinh tế mạnh thì những sự so sánh như trên là quá khập khiễng. Đất nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, người dân phần lớn vẫn còn nghèo, đành rằng những tồn đọng đang hiện diện mỗi ngày là cái mà ai cũng thấy, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những thay đổi tích cực từ công cuộc xây dựng đất nước nhiều năm nay. Mong các anh chị HDV thường hay so sánh hãy hiểu điều đó, để không còn những thuyết minh theo kiểu đưa những thông điệp xấu và không chính xác về đất nước.
Có thể tước thẻ hành nghề hướng dẫn viên vi phạm
Hiệp hội Du lịch VN đã nhận được nhiều thư của du khách phản ảnh về tình trạng này. HDV phát ngôn linh tinh như vậy do họ thiếu hiểu biết nên ăn nói ngây ngô (trường hợp này là phổ biến). Có một số HDV do bất mãn với những gì họ nhìn thấy, đọc được hoặc xem được về tình trạng tham nhũng, không gương mẫu của người này, người khác... rồi đưa những bất mãn này vào cả nội dung giới thiệu cho du khách một cách vô tình hoặc cố ý làm méo mó hình ảnh đất nước.
Trong số hơn 8.000 HDV được cấp thẻ hành nghề hiện nay, số lượng HDV được đào tạo bài bản chính quy không nhiều mà phần lớn từ các ngành nghề khác được bổ túc kiến thức du lịch, lữ hành... trong thời gian 1-3 tháng. Trong thời gian ngắn như vậy, việc bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức... cho HDV không được nhiều. Một số trường được giao nhiệm vụ đào tạo HDV đã không đào tạo một cách nghiêm túc cũng dẫn đến việc chất lượng đào tạo HDV không đồng đều.
Biện pháp giải quyết của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch VN là nếu có những thư phản ảnh rất rõ ràng (tên HDV, tên công ty, nội dung nói xấu...) đến cơ quan có thẩm quyền (như các sở quản lý du lịch địa phương, các hiệp hội du lịch địa phương) thì HDV đương nhiên sẽ bị kỷ luật với hình thức phạt tiền hoặc cao nhất là tước thẻ hành nghề (theo quy định của Luật du lịch). Ông Vũ Thế Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN kiêm chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN):
L.NAM ghi
|