Sự kiện hot
12 năm trước

Khi nào xã thành phường?

“Nâng cấp” xã thành phường hay chia tách nhỏ địa giới hành chính để dễ quản lý là vấn đề đang được chính quyền TPHCM đặt ra

“Nâng cấp” xã thành phường hay chia tách nhỏ địa giới hành chính để dễ quản lý là vấn đề đang được chính quyền TPHCM đặt ra.

Dân số quá đông, địa bàn  rộng, bộ máy quản lý Nhà nước quá tải là những vấn đề nan giải mà một số xã có tốc độ đô thị hóa nhanh ở TPHCM đang đối mặt.

Một xã “gánh” quá nhiều việc

10 năm trở lại đây, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh do hàng loạt dự án nhà ở có quy mô hàng trăm ha hình thành. Trong đó, một trong những dự án dân cư tầm cỡ là khu dân cư Trung Sơn có quy mô 149 ha, nằm cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết hiện khu dân cư này có 1.300 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu sống trong các chung cư, nhà cao tầng và biệt thự nhưng lại thuộc ấp (ấp 4B).

Cũng trên địa bàn xã Bình Hưng còn có 2 dự án nhà ở khác là khu Sadeco và khu dân cư số 3 với hàng ngàn nhân khẩu. Theo ông Cần, xã Bình Hưng có diện tích 1.372 ha, hiện chỉ còn 10% diện tích đất nông nghiệp nhưng cũng đã nằm trong diện quy hoạch dự án chưa thực hiện của khu Nam TP. 

Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn diện tích đất nông nghiệp hiện  chỉ còn 35/705 ha diện tích toàn xã, chủ yếu trồng rau muống, số rất ít còn lại trồng trầu cau. Xã Bà Điểm cũng là xã có số dân đông nhất trên địa bàn huyện Hóc Môn với hơn 68.000 nhân khẩu.


Nhà trọ mọc lên san sát ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, dân số cũng tăng theo nhưng lực lượng công an chính quy lại quá ít nên việc quản lý địa bàn gặp khó khăn

Ông Trương Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, cho biết mỗi thứ hai đầu tuần, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của xã có hơn 200 người dân đến giao dịch. Trung bình mỗi năm xã tiếp nhận 1.200 hồ sơ hợp thức hóa nhà, đất, chưa kể các lĩnh vực khác. “Để hồ sơ không ứ đọng, cán bộ xã phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật. Nhiều khi chủ tịch, phó chủ tịch xã đang họp cũng phải “tạm vắng” để ký hồ sơ” - ông Cường giãi bày.

Không chỉ quá tải về công tác giải quyết thủ tục hành chính, việc quản lý tình hình an ninh trật tự cũng gặp khó khăn khi lực lượng công an có hạn. Xã Bình Hưng hiện có 14.770 hộ dân nhưng chỉ có 38 chiến sĩ công an, trong đó công an chính quy được bố trí chỉ 16 người, còn lại là công an viên. Xã Bà Điểm có tổng số công an vỏn vẹn 30 người, trong đó chỉ 7 công an chính quy nên được “ưu tiên” phụ trách 4 xã trọng điểm tập trung nhiều nhà trọ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Chờ cơ hội chuyển mình

Chính những bất cập như đã nêu, lãnh đạo xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cũng như nhiều xã đô thị hóa trên địa bàn TP đều có mong muốn chuyển bộ máy của xã thành phường. Vì như vậy sẽ được tăng thêm biên chế, kinh phí hoạt động, chế độ tiền lương  cho cán bộ cũng như lực lượng công an, từ đó tăng hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước.

Ông Cường dẫn chứng công việc quản lý địa bàn rất nặng nhưng hiện nay lương của công an viên chỉ gần 2 triệu đồng/tháng, chưa kể chuyên môn của công an viên khác xa công an chính quy nên hiệu quả quản lý địa bàn cũng không bằng.

Chỉ khi nào là bộ máy của phường mới có 100% công an chính quy. Về đội ngũ cán bộ, ông Cần cho rằng với dân số của xã gấp 3 lần dân số của một phường thì ít nhất UBND xã phải có 3 phó chủ tịch (hiện chỉ được bố trí 2 phó chủ tịch), cấp xã cũng không có cán bộ phụ trách môi trường mà phải bố trí cán bộ phụ trách nhà đất kiêm nhiệm nên bất hợp lý trong công tác quản lý.

“Trách nhiệm quản lý địa bàn rất nặng nhưng kinh phí hoạt động của ban nhân dân ấp của cấp xã chỉ 3,5 triệu đồng, phải “gói ghém” cho 7 thành viên. Trong khi đó, ban điều hành tổ dân phố của cấp phường thì kinh phí này cao hơn” - ông Cường đơn cử.

Do các huyện trên địa bàn TP đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ rất nhanh, quy mô dân số ngày càng phát triển, diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm..., vì vậy một trong những đề xuất mới đây của UBND TP với Bộ Nội vụ trong đề án xây dựng chính quyền đô thị là chuyển các huyện đô thị hóa thành quận hoặc thị xã cho phù hợp với đặc điểm phát triển của địa phương. 

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, chỉ khi nào chuyển huyện thành thị xã thì xã đô thị hóa thuộc huyện mới có “cơ hội” chuyển thành phường; lúc đó bộ máy, con người và cơ chế chính sách của phường mới tạo điều kiện cho xã đô thị hóa  được phát triển toàn diện. Tuy nhiên, các xã còn đất nông nghiệp thì vẫn giữ nguyên tên gọi là xã.

Bộ máy quận-huyện: Nhiều bất hợp lý!

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, so sánh: Huyện Bình Chánh có diện tích 25.000 ha, dân số 480.0000 người, trong khi quận 1 có diện tích 442 ha với 198.000 người nhưng lực lượng thanh tra xây dựng ở quận 1 (350 người) nhiều hơn huyện Bình Chánh (278 người).

Theo ông Trường, đây là điều bất hợp lý vì địa bàn huyện Bình Chánh rất rộng, thanh tra xây dựng ngoài việc xử phạt trật tự còn phải “canh” xử phạt xây dựng trái phép, còn quận 1 chủ yếu xử phạt về trật tự đô thị.

Quý Hiền
theo NLĐ

Từ khóa: