Sự kiện hot
13 năm trước

Khó chịu với thoại trong phim truyền hình Việt

Không thực tế, thiếu sức sống là nhận xét chung của khán giả về thoại trong các phim truyền hình hiện nay. Vốn là “chuyện dài nhiều tập” được đề cập từ lâu, sự nhạt nhẽo của thoại trong phim đến nay vẫn chưa cải thiện.

Không thực tế, thiếu sức sống là nhận xét chung của khán giả về thoại trong các phim truyền hình hiện nay. Vốn là “chuyện dài nhiều tập” được đề cập từ lâu, sự nhạt nhẽo của thoại trong phim đến nay vẫn chưa cải thiện.

Mở bất kỳ một phim truyền hình Việt Nam nào khán giả cũng nhặt được cả “rổ sạn” với những câu thoại ngớ ngẩn, dài dòng. Điển hình nhất là các câu thoại vô thưởng vô phạt, xa rời cuộc sống mà tác giả, đạo diễn áp đặt vào miệng diễn viên chứ không xuất phát từ tâm trạng nhân vật.


Thoại thiếu tự nhiên làm các diễn viên diễn xuất bị "đơ" (Trong ảnh là NSƯT Hùng Minh  và DV Đức Tiến trong Bản chúc thư)

Câu chuyện hấp dẫn, tình tiết gay cấn trong Bản chúc thư (đạo diễn Lê Hữu Lương) phát sóng lúc 20h hàng ngày trên kênh SCTV14 đã không “cứu” nổi bộ phim. Một ông tỷ phú chết để lại gia tài cho cô gái xa lạ với điều kiện kèm theo là cô gái phải lấy bất kỳ người cháu trai nào của ông, phát sinh cuộc tranh giành ồn ào.

Đề tài khá mới mẻ nhưng phim càng chiếu thì khán giả càng ngán. Thật khó lòng xem nổi bộ phim dài lê thê với những lời thoại y hệt tiểu thuyết kiểu như: “Em cứ làm theo tiếng nói của con tim mình” (nhân vật Nguyên Hương được bạn khuyên) hay đoạn bà Bảo Ngọc (DV Hiền Mai) ngồi tâm sự với em gái: “Chuyện này để rút ra bài học hiện tại và tránh những sai lầm tương tự”. Khi nói về tai nạn xảy ra với mẹ con bà Bảo Ngọc, vị luật sư Lê cũng văn chương không kém: “Hãy nghĩ mà xem, nếu mọi người không dựng lều trên đỉnh đồi thì sự thể sẽ như thế nào nữa”, cậu con trai Thảo thì gay gắt với ông bố: “Nếu tôi biết ông giết cậu ba thì đời này kiếp này tôi sẽ căm thù ông”…  Do lời thoại xa lạ với đời thường nên các diễn viên trong phim đều thể hiện nhân vật theo kiểu gượng ép, nói chuyện nhau với vẻ mặt thờ ơ, không chút cảm xúc.

Không hiếm các phim có nội dung được đánh giá khá tốt, nhưng cũng mắc các lỗi khó chịu về thoại. Ở những đoạn cần nói ngắn gọn thì nhân vật nói liên tục, nói đến nỗi người xem phát sợ. Ngược lại, ở nhiều tình huống cần khoảng lặng của nhân vật thì họ cứ nói ra rả. Trong Hoa phù dung (phát sóng trên THVL1 lúc 20h30 thứ Hai, Ba, Tư hàng tuần), cảm kích trước tấm lòng của Long, nhân vật Linh Huệ (DV Phương Trinh) mân mê sợi dây chuyền kỷ niệm tự thốt lên: “Long ơi, anh tốt với em quá, anh có tin em sẽ là người vợ tốt của anh không?”.

Ở phim Bão (đạo diễn Mai Dũng), nhân vật Nga (DV Thúy Diễm) thường xuyên gào lên mỗi khi ngồi một mình ở phòng khách. Sự im lặng đôi khi có tác dụng hơn ngàn lời nói nhưng nhiều đạo diễn quên mất điều này. Những chi tiết trên đã làm giảm mạch cảm xúc phim, để lộ những sơ suất của người làm phim trước khán giả.

Các phim có trẻ con thì lại sa vào lỗi để cho trẻ con “lý sự” như người lớn. Cậu bé Thế Anh trong phim Cầu vồng tình yêu (đạo diễn Vũ Hồng Sơn) mới có 8 tuổi mà lời nói như ông cụ non. Nhân vật Min trong Lời thú nhận của Eva (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà) non nớt nhưng làm nhiều người xem phải giật mình vì thoại quá già dặn. Tuyến nhân vật người lớn cũng thường xuyên “lên giọng” với trẻ con, trong Mẹ chồng nàng dâu (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo), bà Tâm (NSƯT Kim Xuân) sau một hồi dông dài dặn dò cô cháu gái học cấp một đã kết luận: “Mẹ bị áp lực công việc mới cư xử với con như vậy”.

Không phải vô cớ mà nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đã kêu ca trước tình trạng thoại dông dài, vô nghĩa từ nhiều năm nay. Phim truyền hình vốn đã yếu về đề tài, diễn viên giỏi cũng chưa nhiều, để phim khá hơn rất cần đến một kịch bản chắc tay. Nhưng thực tế, chất lượng kịch bản hiện nay lại phập phù, đòi hỏi một kịch bản tốt ở thời buổi ai cũng có thể làm nhà biên kịch giống như “hái sao trên trời”. Các hãng phim cho biết lượng kịch bản gửi về nhiều nhưng đa số không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, còn thoại thì khỏi nói, dở đã là căn bệnh kinh niên, là một thực trạng chung như lời nhận xét  của biên kịch Châu Thổ.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ lỗi hết cho biên kịch trước tình trạng kịch bản yếu, thoại dở. Người quan trọng sau biên kịch là đạo diễn có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, kể cả diễn viên cũng có thể góp phần tự sửa thoại cho “đời” hơn. Vấn đề là, không ai lưu tâm đến điều này, lên trường quay chỉ biết làm hệt theo kịch bản có sẵn. Vì thế nên khán giả cứ phải chịu trận với những lời thoại gượng ép. “Nên hay không việc mỗi hãng phim phải có chức danh viết thoại riêng?”, câu hỏi đặt ra của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn – thành viên Hội đồng duyệt phim của TFS, xem ra không phải là không có lý.

Theo Phụ nữ

Từ khóa: