Trên 40% số bằng cấp hướng dẫn viên tốt nghiệp trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist được nộp cho các sở Văn hoá – thể thao và du lịch ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ là bằng giả. Vietmark bị rinh nguyên bản tư vấn tổ chức tour team-building, nội dung tour của một số công ty lữ hành bị cắt dán vào tour của đơn vị khác...
Trên 40% số bằng cấp hướng dẫn viên tốt nghiệp trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist được nộp cho các sở Văn hoá – thể thao và du lịch ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ là bằng giả. Vietmark bị rinh nguyên bản tư vấn tổ chức tour team-building, nội dung tour của một số công ty lữ hành bị cắt dán vào tour của đơn vị khác...
Làm du lịch từ năm 1996, trong những giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt cũng chưa bao giờ thấy mệt mỏi như năm gần đây, bởi riêng việc giải thích những hiểu lầm của khách chiếm hết một nửa thời gian của ông.
Việc nhầm lẫn tên đơn vị lữ hành có thể khiến du khách không hài lòng. Ảnh: CTV
Nỗi khổ chẳng biết kêu ai
Sự việc là gần đây có những doanh nghiệp mới thành lập, đăng ký kinh doanh ở Nam Định, Long An, Gò Vấp – TP.HCM đều lấy tên có hai chữ cuối là Lửa Việt cũng đăng ký chức năng dịch vụ du lịch, lữ hành. Nhiều khách hàng nghe nói Lửa Việt thì tưởng là chi nhánh của công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt hay công ty cổ phần mà ông Mỹ góp vốn, nên đăng ký tour, đi chơi về không hài lòng bèn gọi điện mắng vốn, mới té ngửa họ bị nhầm.
Ông Mỹ gửi đơn thư lên sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM nhờ giúp đỡ, ông Mỹ được trả lời vụ việc không thuộc thẩm quyền của thanh tra sở. Tiếp tục gửi đơn thư lên sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, nhận được trả lời: “Chẳng làm được gì vì quy định cả cái tên doanh nghiệp chỉ cần khác một từ là được chấp nhận cho đăng ký kinh doanh”. Phòng đăng ký của sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM khẳng định không trùng với “dã ngoại” trong tên doanh nghiệp của ông Mỹ đã đăng ký từ năm 1999. Họ bảo nếu ông Mỹ xét thấy công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, thì liên hệ với toà án, thanh tra sở Khoa học và công nghệ, thanh tra sở Thông tin và truyền thông, quản lý thị trường, công an, cục Quản lý cạnh tranh và UBND các cấp… để có thể được xem xét. Nghe chừng ấy nơi đến để khiếu kiện, ông Mỹ vã mồ hôi.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty Vietravel mới đầu năm nay cũng than mệt mỏi lắm với những chuyện doanh nghiệp khác gây nhầm lẫn thương hiệu mà các công ty lữ hành làm ăn ngay thẳng gầy dựng. Ví dụ Vietravel bị nhầm với Việt Travel, câu slogan “nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp” bị người ta mượn năm từ, thành “nhà tổ chức tour chuyên nghiệp”.
Ông Trương Hoàng Phương, giám đốc tiếp thị công ty Dấu Ấn Việt (Vietmark) cũng bùi ngùi chia sẻ, một công ty truyền thông du lịch rinh nguyên bản nội dung tư vấn tổ chức và các hình thức tour team-building của Vietmark lên website của họ.
Ông Trần Thế Dũng, giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Trẻ, người hay tìm tòi khai thác tour mới cũng ít nhất một lần phải khiếu kiện, khi nội dung tour mới của mình bị cắt dán vào tour của đơn vị khác.
Chuyện gây nhầm, “hàng nhái” làm cho các công ty lữ hành ngậm đắng nuốt cay, còn trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist thì đau đầu vì mải lo trả lời thẩm định bằng cấp, khi có tới trên 40% số bằng cấp hướng dẫn viên tốt nghiệp trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist được nộp cho các sở văn hoá – thể thao và du lịch ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ là bằng giả.
Thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp
Những chuyện xảy ra liên tục, kéo dài, các đơn vị phản ảnh với tổng cục Du lịch, cũng chỉ nhận được những cái nhìn thông cảm. Thế là ai nấy đành ngậm đắng nuốt cay, tìm cách tự lo cho mình. Lớn mạnh như Vietravel thì tăng cường các hoạt động truyền thông đến với công chúng. Ông Mỹ mấy tháng nay đi tìm những điểm đến mới để làm tour mới, có thể bỏ bớt những tour đã bị gây nhầm lẫn, chịu khó liên hệ giải thích với những khách hàng thân thiết để họ không nhầm lẫn. Vietmark bỏ hẳn nội dung cũ về tổ chức team-building trên website của mình, thay bằng nội dung mới.
Ông Mỹ cho rằng, lý lẽ của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh đều dựa trên những văn bản pháp lý chính thức nên không cãi được. Chắc chắn không ít doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng như công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt, và có lẽ các cơ quan cấp giấy phép kinh doanh đã thấy những quy định bất hợp lý làm khổ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lo đây là những tiền lệ xấu, vô tình tiếp tay cho “hàng nhái, hàng giả” trong ngành du lịch, làm thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà cả cho du khách.
Các Ngọc
Theo SGTT