Sự kiện hot
13 năm trước

Khó xài tiền xu

Han gỉ, hoen ố, cồng kềnh, mất giá do lạm phát... hàng loạt sự bất tiện đã khiến đồng tiền xu sau gần 10 năm phát hành đã “chết yểu”.

Han gỉ, hoen ố, cồng kềnh, mất giá do lạm phát... hàng loạt sự bất tiện đã khiến đồng tiền xu sau gần 10 năm phát hành đã “chết yểu”.

“Không lấy tiền xu”

Ngày 17.12.2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức phát hành tiền xu có mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng. Gần 4 tháng sau, NHNN phát hành tiếp tiền xu loại 2.000 đồng và 500 đồng. Tuy nhiên, chỉ khoảng sau hơn 5 năm sử dụng, tiền xu dần bị chối bỏ bởi nhiều người thấy rằng việc sử dụng tiền giấy sẽ mang lại sự tiện lợi hơn. Tiền xu dễ rơi mất, nặng nề và quá xấu.

Màu sắc của tiền xu xuống rất nhanh trong quá trình lưu thông - Ảnh: D.Đ.M

 

Ở ta thì việc phát hành tiền xu chẳng khác gì việc “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông

TS Lê Đăng Doanh

Anh Nguyễn Song Toàn (23 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) phàn nàn, người ta thối tiền xu thì anh vẫn nhận, tuy nhiên khi anh mang tiền xu đi mua đồ, sử dụng thì thường bị từ chối. Mới đây anh đi dự hội thảo tại khách sạn Star City (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhân viên gửi xe ở đây lắc đầu quầy quậy khi anh trả 2.000 đồng tiền xu và nằng nặc đòi đổi sang tiền giấy. “Hôm đó tôi đi mua thuốc lá ở một tiệm gần khách sạn, người bán thuốc cũng chê tiền xu. Tại sao nhà nước phát hành tiền xu và có quy định không được từ chối nhận tiền xu, nhưng nhiều người lại không chịu nhận?” - anh Toàn bức xúc.

Chị Lê Thị Kim Ngân (Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra ngán ngẩm khi chia sẻ, hôm trước có ra chợ Bưởi mua rau, mang mấy đồng xu 2.000 đồng và 5.000 đồng để trả thì cô bán hàng mặt nặng mày nhẹ, chau mày bĩu môi, xua tay đòi cho kỳ được tiền giấy. “Giờ vẫn còn tiêu tiền xu, thì cả Hà Nội này chắc còn mỗi chị. Thôi cho em tiền giấy, 10.000 tiền polymer cho nó gọn. Lấy tiền xu, kẹp vào cặp quần có mà tụt lúc nào không biết” - cô bán hàng nói.

Ngại không muốn cầm, chán vì không có chỗ để xài, vì vậy, các thùng quyên góp trước quầy tính tiền một số siêu thị lớn như Big C, Coop Mart, lượng tiền xu đã bị ngả màu, han gỉ nằm xếp chồng lên nhau khá nhiều. “Chủ yếu là từ nhân viên siêu thị thối ra, rồi người mua hàng sau khi nhận tiền thối lại bỏ lại vào thùng quyên góp chứ không muốn cầm sử dụng” - một nhân viên tại siêu thị Big C Hà Nội cho biết.

“Xót xa”

Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sĩ Kiêm cho biết, từ giai đoạn năm 1989 đến 1997 khi còn giữ cương vị thống đốc ông cũng đã từng khảo sát và nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới để tìm hướng phát hành tiền xu, tuy nhiên do lúc đó thấy hiệu quả sử dụng không cao, chi phí đầu tư lại quá tốn kém nên đã không triển khai. “NHNN lúc đó cũng định đặt hàng Canada để đúc và phát hành tiền xu, nhưng sau đó không triển khai nữa vì nó quá tốn kém và không phù hợp với điều kiện sử dụng của Việt Nam” - ông Kiêm nói. Theo TS Kiêm, việc phát hành 1 đồng tiền xu thường kèm theo chi phí ngang bằng với mệnh giá đồng tiền xu đó, thậm chí còn đắt hơn do quá trình bảo quản tốn kém. “Từ 2003 đến nay NHNN phát hành khoảng vài tỉ đồng tiền xu mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng... Tổng giá trị tiền phát hành ra tương đối lớn, không lưu thông được gây ra sự lãng phí cho ngân sách nhà nước” - ông Kiêm nói.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, mỗi quốc gia khi phát hành tiền xu thường gắn liền với dấu ấn, sự kiện lịch sử của dân tộc, với quốc huy và lãnh tụ của đất nước đó - đó chính là niềm tự hào của dân tộc, của người dân, là những giá trị tinh thần lớn lao hơn cả vật chất. “Nhìn những đồng tiền xu bị han gỉ, ố vàng ai cũng thấy xót xa. Đó không chỉ là sự lãng phí, mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm và lòng tự trọng của những người làm ra nó” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cái chết yểu của tiền xu, nhưng theo TS Kiêm, nguyên nhân chính là không có sự tiện ích, không có giá trị trong sử dụng; là sự cồng kềnh, xấu xí vì han gỉ khiến người dân cảm thấy bị mặc cảm, khó chịu mỗi khi mang bên mình. Bên cạnh đó, mục đích của tiền xu nhằm tăng tính tiện ích cho người dân khi mua bán, nhất là tại các cửa hàng, siêu thị... với các máy bán hàng tự động, kể cả các dịch vụ điện thoại công cộng. Thế nhưng sao đó, hệ thống máy bán hàng tự động hầu như không được đầu tư, lắp đặt khiến tiền xu không có đất sống. TS Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ: “Ở ta thì việc phát hành tiền xu chẳng khác gì việc “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Rất thiếu hợp lý và không hiệu quả”.

Một nguyên nhân khác, theo hai chuyên gia trên, ở nước ngoài khi đã phát hành tiền xu mệnh giá nhỏ gần như thay thế hoàn toàn tiền giấy, nhưng ở Việt Nam, tiền xu và tiền giấy vẫn tồn tại song hành, việc người dân từ chối tiền xu là điều dễ hiểu.

Nên thu hồi lại

Tháng 4.2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức thông báo ngừng phát hành tiền xu sau 8 năm. Cũng tại thời điểm đó, NHNN cho rằng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của tiền kim loại, các giải pháp thích hợp với việc lưu thông tiền kim loại. Thế nhưng hơn 1 năm nay, những giải pháp để lưu thông loại tiền xu chưa được ban hành nên đồng tiền xu không được chấp nhận trong thanh toán và hệ thống các máy bán hàng tự động đã được triển khai trước đây bị co hẹp lại.

Theo nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sĩ Kiêm, hiện nay nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phát triển và sẽ là chủ đạo trong tương lai. Việc phát hành tiền xu là không cần thiết, sẽ rất lãng phí và tốn kém. Số còn lại người dân không có nhu cầu thì NHNN thu hồi lại, chứ để lưu thông những đồng tiền han gỉ, đen sì đó cũng rất mất thẩm mỹ.

T.Xuân

Theo Thanhnien

Từ khóa: