Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Khoai lang chính ngạch sắp xuất sang Trung Quốc

Lô khoai lang chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sắp xuất sang Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội cho nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Dâu tằm chín mọng hút khách

Những ngày này, trên nhiều tuyến phố, không khó gặp các gánh hàng rong với các rổ dâu tằm chín mọng, đẹp mắt. Thời điểm hiện tại đang là chính vụ nên giá dâu tằm không hề cao. Thứ quả dân dã này có sức hút lớn, được nhiều người tìm mua. Hiện giá dao động từ 15.000 – 30.000đ/1kg, tùy theo chất lượng.

Dâu tằm được trồng nhiều ở khu ngoại thành Hà Nội. Nhiều nhất là ở xã Hiệp Thuận (huyện Đức Thọ); thị trấn Phùng, Đan Phượng TP Hà Nội... Người nông dân nơi đây đang tất bật vào vụ thu hoạch dâu tằm chín. Dâu tằm sau khi được người dân thu hoạch, thương lái sẽ về tận vườn để thu mua. Vào thời điểm giữa vụ chính, giá của dâu tằm rất rẻ, có thể chỉ 10.000 đồng/kg.

Thứ quả dân dã mùa hè này có thể chế biến làm nhiều kiểu. Không chỉ làm các loại nước uống giải nhiệt cho mùa mè, dâu tằm còn được nhiều người mua về để ngâm rượu. "Nhà tôi ai cũng thích uống nước dâu tằm. Năm nay vừa đầu vụ, tôi cũng đặt trước của người quen mua cả chục cân về ngâm. Quả dâu tằm thường thời điểm này quả to, ngọt nên mình có thể lựa chọn được những quả dâu thơm ngon nhất. Dâu tằm phát triển tự nhiên, người trồng không dùng chất bảo quản nên mình cũng yên tâm sử dụng.

Khoai lang chính ngạch sắp xuất sang Trung Quốc

Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc vừa phê duyệt các cơ sở đóng gói và vùng trồng khoai alng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang. Dự kiến trong vòng 1 tháng tới, container khoai lang đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang thị trường sôi động bậc nhất thế giới.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc khoai lang chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được xem là cơ hội cho nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh những tháng đầu năm, khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý II.

Theo ước tính, diện tích trồng khoai lang được phía Trung Quốc cấp phép trong đợt đầu tiên này lên tới trên 1.000 ha và phân bố ở khắp các địa phương trên cả nước, gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Dự kiến, Vĩnh Long sẽ là địa phương tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 3, xuất khẩu rau quả ước đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một trong số ít nhóm hàng của ngành nông nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực lao dốc.

Đáng chú ý, xuất khẩu lá tre hết tháng 2 tăng 302,4% so với cùng kỳ năm trước đó. Mặt hàng lá cây nguyệt quế ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2023 tăng kỷ lục 5.083,3% (gấp gần 52 lần) so với tháng 2 năm ngoái. 

Quả tầm bóp giá cao ngất tại Nhật

Quả tầm bóp còn được biết đến với nhiều tên gọi như quả lồng đèn, lù đù, thù lù, anh đào đất hay đồm độp. Đây là loại quả dại, xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn của Việt Nam. Tầm bóp mọc nhiều ở bờ ruộng, đất trống ven đường, ven rừng.

Trước đây, quả tầm bóp ít khi được bày bán trên thị trường Việt Nam. Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, quả tầm bóp là món đồ ăn vặt không mất tiền mua, thậm chí còn dùng để làm đồ chơi. Chỉ cần ra bờ ruộng là có thể hái cả nắm mang về. Thế nhưng  loại quả này lại được bày bán "sang chảnh" trong siêu thị Nhật với giá cao ngất ngưởng. Theo đó, tại một siêu thị ở tỉnh Tokushima của Nhật Bản, một khay tầm bóp có trọng lượng 100g được bán với giá 338 yen, tương đương 70.000 đồng. Như vậy, 1kg quả tầm bóp có giá tới 700.000 đồng.

Tại nhiều nước, quả tầm bóp được bày bán theo dạng tươi hoặc sấy khô, được đóng gói “sang chảnh”, bày bán trên kệ siêu thị. Ở Nhật Bản, tầm bóp được mọi người mua về làm thuốc hoặc dành cho những người ăn kiêng.

Hương Trà (t/h)

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: