Phiên họp thứ 2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 26/3/2013 đã thống nhất kế hoạch khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm bắt đầu từ quý 2/2013.
Phiên họp thứ 2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 26/3/2013 đã thống nhất kế hoạch khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm bắt đầu từ quý 2/2013.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị ngày 26/3/2013.
Theo đó, Ban Nội chính Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì trong xây dựng kế hoạch cụ thể. Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chánh án Toàn án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng chỉ đạo thực hiện.
Một nội dung quan trọng khác của phiên họp lần thứ hai là thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Chủ trì phiên họp lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nêu rõ: Việc xây dựng Dự thảo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cần căn cứ vào các văn bản và Điều lệ của Đảng, luật pháp, các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng mới sửa đổi, bổ sung và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh sơ hở; quan trọng nhất là xác định phạm vi hoạt động, quan hệ với các cơ quan liên quan, chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI).
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và một số cơ quan liên quan, trong thời gian ngắn đã khẩn trương chuẩn bị các dự thảo văn bản trình tại Phiên họp; đồng thời yêu cầu Ban Nội chính Trung ương tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo, rà roát thật kỹ để hoàn chỉnh các dự thảo văn bản.
Tổng Bí thư nêu rõ: Việc xây dựng Dự thảo quy chế làm việc, cần căn cứ vào các văn bản và Điều lệ của Đảng, luật pháp, các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng mới sửa đổi, bổ sung và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh sơ hở; quan trọng nhất là xác định phạm vi hoạt động, quan hệ với các cơ quan liên quan, chú trọng cả phòng và chống, cả phòng chống tham nhũng và phòng chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI).
Tinh thần chung là phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong điều kiện mới, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 163 của Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước; không làm thay, không cản trở hoạt động bình thường, mà sử dụng, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan chuyên môn. Nội dung quy chế cần được xây dựng sát với hoạt động của Ban Chỉ đạo, quy định rõ phạm vi công việc của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo.
Về phân công các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc phân công nhiệm vụ căn cứ vào chức danh, vị trí công tác và trên cơ sở công tác chuyên môn đang đảm nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo; cần rà soát lại, bảo đảm việc phân công phải bao quát, không bỏ sót những lĩnh vực, địa bàn, chuyên đề được phân công phụ trách.
Về Chương trình công tác năm 2013, Tổng Bí thư yêu cầu cần xác định rõ những công việc cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.
Căn cứ vào chương trình làm việc, yêu cầu thực tế, rà soát lại, xây dựng nội dung chương trình công tác, xác định một số việc trọng tâm cần thực hiện trên các lĩnh vực như xây dựng luật pháp, thể chế; tuyên truyền; tăng cường, đôn đốc xử lý các vụ án còn chậm; thành lập Ban Nội chính ở các địa phương; xây dựng Quy chế làm việc của Ban Nội chính Trung ương, Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết một số công việc đang có vướng mắc cần tháo gỡ như vấn đề minh bạch hóa, công khai hóa kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; xây dựng pháp luật, cụ thể hóa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; điều tra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn còn tồn đọng.
Tổng Bí thư yêu cầu trên cơ sở nhiệm vụ được phân công và chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo cần khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình công tác của mình và cơ quan mình phụ trách.
Theo TTXVN