Bất lực trước viễn cảnh kinh doanh không tươi sáng, doanh nghiệp không có đầu tư dài hạn, không có tích lũy và đang bế tắc, các lãnh đạo DN hoành tráng một thời giờ đây trở nên kém ăn, kém nói trước cổ đông.
Bất lực trước viễn cảnh kinh doanh không tươi sáng, doanh nghiệp không có đầu tư dài hạn, không có tích lũy và đang bế tắc, các lãnh đạo DN hoành tráng một thời giờ đây trở nên kém ăn, kém nói trước cổ đông.
Cổ đông không cổ tức
Ba năm liền, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) không trả được một đồng cổ tức cho cổ đông. Kế hoạch cho năm 2013 cũng không thấy bóng dáng cổ tức ở đâu.
Thực trạng khó khăn của PHS, hầu hết các cổ đông đều nắm được. Tuy nhiên, điều mà nhiều người ái ngại là ở chỗ, họ không nhìn thấy điểm sáng trong viễn cảnh kinh doanh của DN. Đại diện DN không đưa ra một cam kết cụ thể nào mà chỉ cho biết, công ty sẽ nỗ lực hết mình để có được lợi nhuận, chia cổ tức cho nhà đầu tư trong tương lai.
Nhưng đó chưa phải là điều đáng buồn nhất. PHS cho biết, dự kiến 2013 vẫn là một năm đầy khó khăn. Doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thực tế trên TTCK nhiều năm qua, giới đầu tư chứng khoán mua cổ phiếu nhiều khi chỉ với mục tiêu lướt sóng, kiềm tiến qua chênh lệch giá, không quan tâm nhiều tới cổ tức. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà đầu tư đã hướng tới những giá trị cơ bản hơn, trong đó có cổ tức.
Ảnh minh họa.
Yêu cầu doanh nghiệp trả cổ tức là một đòi hỏi chính đáng. Nó khiến ban lãnh đạo DN buộc phải có hướng kinh doanh hiệu quả, có phương án tiết kiệm chi phí tốt hơn… Tuy nhiên, khó khăn và sự khan hiếm tiền mặt cho hoạt động kinh doanh, cũng như cho đầu tư đã khiến rất nhiều doanh nghiệp không trả cổ tức cho cổ đông được.
Trong đại hội cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần xây dựng số 15 (V15) đã thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2012, 2013 cho dù lên kế hoạch có lãi trong năm nay. Trên thực tế, V15 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cổ phiếu của doanh nghiệp này gần đây bị đưa vào diện bị cảnh báo do thua lỗ trong năm 2012. DN có nợ ngắn hạn cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Có lẽ mục tiêu lớn nhất của đơn vị này sự ổn định, thay vì tính tới chi trả cổ tức cho cổ đông.
Không chỉ PHS, V15, rất nhiều doanh nghiệp không trả cổ tức trong năm 2012 hoặc/và 2013 như: LAF (2012), MHL (2012), MSN (4 năm), PTL (2012, 2013), SC5 (2012), LHG (không chia cổ tức từ 2012 đến 2015), SJM (2013), ITC (2012), TMT (2011-2013), HT1 (2013)…
Viễn cảnh đen tối hay đầu tư cho tương lai?
Có thể thấy, đa số các DN không trả cổ tức trong năm 2012 hoặc/và dự kiến không trả cổ tức 2013 là do DN thua lỗ, lãi ít và đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Trong trường hợp PTL lỗ trong năm 2012 và dự kiến lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong năm 2013. So với quy mô 1.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận như vậy coi như không có. Việc chia cổ tức xem ra khá xa vời. Trong bối cảnh thị trường BĐS còn trầm lắng như hiện nay, không biết viễn cảnh kinh doanh của DN sẽ bao giờ tươi sáng trở lại.
Nhìn vào các hạng mục đầu tư của PTL có thể thấy, DN này có lẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi thị trường BĐS chưa có dấu hiệu ấm trở lại. Vấn đề quan trọng của PTL giờ đây có lẽ làm sao duy trì được dòng tiền để tiếp tục phát triển các dự án, chứ chưa thể tính tới cổ tức cho cổ đông được. Mức cổ tức 4% cho năm 2011, PTL cũng đã phải xin gia hạn thời gian trả vào ngày 28/6/2013 tới.
Trường hợp Đầu tư & KD Nhà Intresco (ITC) có lợi nhuận 2012 rất thấp nên đã thông qua phương án không chia cổ tức 2012 và cũng không trả thù lao cho HĐQT và BKS. Dự kiến trong năm 2013, lợi nhuận của ITC cũng chỉ cao hơn chút xíu so với 2012 và vấn đề cổ tức chưa được nhắc tới.
Với nhiều doanh nghiệp, khó khăn chỉ là tạm thời. Khi thị trường khởi sắc trở lại, doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng với một số đơn vị, khó khăn liên quan tới đường hướng phát triển và nội lực thực sự của doanh nghiệp.
Nhìn vào báo cáo tài chính của một số DN, điều mà các cổ đông thất vọng nhất là DN đó không có đầu tư cho dài hạn, không có chiến lược, không có tầm nhìn, thậm chí không có tích lũy. Quyết định đầu tư theo phong trào đã khiến không ít các CTCK, các DN BĐS đang đứng bên bờ vực phá sản. Đang thua lỗ, đang bế tắc, DN không thể lấy vốn ra để trả cổ tức được.
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các DN không trả cổ tức là đang gặp vấn đề về dòng tiền, bị thua lỗ hay làm ăn kém hiệu quả.
Gần đây, một số DN có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm vừa qua những không trả cổ tức như trường hợp MSN, LHG… Theo giải thích của MSN, lợi nhuận chưa phân phối tới cuối 2012 lên tới 6.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp xin không chia cổ tức, để đầu tư lớn vào tài sản cố định theo kế hoạch trong năm 2013.
Theo đánh giá của MSN, DN này rất rất lạc quan về triển vọng công ty trong năm 2013 và dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế vào khoảng 3.650 tỷ đồng đến 4.600 tỷ đồng trong năm nay (tăng trưởng từ 31-65%).
Nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức dù không được hưởng cổ tức từ MSN trong 4 năm qua nhưng lợi nhuận thu về từ việc đầu tư vào cổ phiếu này khá lớn. Cổ phiếu này đã có mức tăng ấn tượng, gấp nhiều lần trong vài năm gần đây nhờ sự phát triển rất mạnh cả về quy mô, về doanh thu, lợi nhuận và thương hiệu.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư cảm thấy không thực sự thoải mái khi DN không trả một phần cổ tức cho cổ đông mà lại dốc toàn bộ lợi nhuận cho đầu tư phát triển. Theo đó, những nhà đầu tư này lo ngại đại gia ngành thực phẩm này có thể lại đang đi vào hướng đầu tư phát triển quá nhiều dự án, có thể lại sa lầy vào đầu tư dàn trải. Trong khi đó, một số đại gia khác cũng vẫn dành cho đầu tư phát triển khá nhiều nhưng vẫn duy trì cổ tức đều đặn cho cổ đông.
Với mỗi DN một khác, ở những thời điểm phát triển khác nhau, DN có kế hoạch riêng của mình. Tuy nhiên, yêu cầu DN trả cổ tức là một đòi hỏi chính đáng. Nó khiến ban lãnh đạo DN buộc phải luôn có hướng kinh doanh hiệu quả tốt nhất.
Mạnh Hà
Theo Vietnamnet