Không dừng lại là thua lỗ khi lấn sân viễn thông. Tuy nhiên, khoản lỗ có thể sẽ lớn hơn nếu tính đủ các chi phí mà 5 Tổng công ty Điện lực đã phải gánh hộ EVN Telecom.
Dấu không hết lỗ
Khác với các khoản chi đầu tư ngành ngoài khác của EVN, Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVNTelecom) là trường hợp nổi bật nhất được đầu tư 100% vốn từ EVN nhưng thua lỗ nặng nề nhất.
Tính tới hết năm 2010, khoản vốn này đã lên tới 2.442 tỷ đồng, chiếm 4,88% vốn đầu tư của EVN. Tuy nhiên, con số thực tế sẽ còn lớn hơn nhiều vì đây là khoản chưa tính đến vốn đầu tư của EVN vào lĩnh vực viễn thông tại các Tổng công ty điện lực.
Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của EVN Telecom lại liên tục sụt giảm. Nếu như năm 2008, đơn vị này còn đạt doanh thu tới 3.705,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn đạt 93,8 tỷ tỷ đồng thì năm 2009, tình hình tài chính đã sa sút nghiêm trọng.
Năm 2009 trong bối cảnh suy giảm kinh tế nói chung, doanh thu của công ty này chỉ còn đạt 3.004,4 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2008. Song, lợi nhuận trước thuế còn giảm mạnh hơn, chỉ đạt vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng, "thua" tới 92% so với năm trước.
Năm gần đây nhất 2010, theo Kiểm toán Nhà nước, EVN Telecom đã chuyển từ lãi sang lỗ hoàn toàn. Tổng doanh thu trong năm này chỉ là 2.120,6 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2009. Quan trọng hơn, lợi nhuận trước thuế đang từ dương 8,3 tỷ đồng đã về kết quả âm tới 1.057,7 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2008, số lợi nhuận của EVN Telecom có được chỉ bằng 1/11 của số lợi nhuận "âm" này.
EVN đầu tư 5 lĩnh vực là viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng vốn là 4.551,4 tỷ đồng, chiếm 9,01%/vốn đầu tư và 4,13 %/Tổng nguồn vốn điều lệ của Công ty mẹ. Như vậy, với con số 2.442 tỷ đồng, EVN Telecom ngốn nhiều vốn ngành ngoài của EVN nhất, chiếm tới 53% tổng vốn đầu tư ngành ngoài của Tập đoàn này.
Ngược lại với sự ưu ái này, kết quả kinh doanh của EVN Telecom lại là sự thất bại vì chỉ mang về thua lỗ.
Cơ quan Kiểm toán đánh giá, các Tổng công ty điện lực đầu tư cơ sở hạ tầng mạng 2G cho EVNTelecom thuê chưa đem lại hiệu quả, trong cơ cấu giá cho thuê thấp hơn chi phí do không tính chi phí lãi vay và giãn thời gian khấu hao là 15 năm, trong khi tài sản khấu hao thực tế là 10 năm.
Đẩy lỗ sang các tổng công ty điện lực
Sự thua lỗ của một dự án kinh doanh có thể do nhiều yếu tố khách quan về môi trường đầu tư, thị trường, hoặc yếu tố chủ quan là dự báo sai tình hình... Tuy nhiên, việc hô biến chi phí đầu vào của EVN Telecom thành chi phí kinh doanh của 5 Tổng công ty điện lực thì thật khó hiểu.
Việc biến hóa này liên quan tới khoản chi phí thiết bị đầu cuối của EVN Telecom từ năm 2006-2008. Tính tới 31/12/2009, tổng số chi phí thiết bị đầu cuối của EVN Telecom đã là 1.868 tỷ đồng, song khoản này chỉ phân bổ cho chính công ty EVN Telecom 632 tỷ đồng.
Do thua lỗ, khó khăn tài chính, Hội đồng quản trị công ty mẹ EVN đã gỡ khó bằng cách giảm vốn tại EVNTelecom, tăng vốn tại các công ty điện lực. Việc này thể hiện qua Nghị quyết 135 của Hội đồng quản trị Công ty mẹ EVN ban hành ngày 29/3/2010 về việc điều chỉnh cơ chế tài chính của hoạt động kinh doanh viễn thông va qua văn bản số 1827/EVN-TCKT của EVN ngày 25/5/2011, quyết nghị điều chuyển toàn bộ giá trị còn lại của thiết bị đầu cuối mạng CDMA từ EVNTelecom cho các Tổng công ty điện lực.
Tổng số chi phí "đầu vào" này lên tới 1.026 tỷ đồng, tương đương ½ khoản vốn đầu tư từ công ty mẹ EVN vào viễn thông.
Trong đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc gánh chi phí thiết bị đầu cuối lớn nhất là 378,2 tỷ đồng, kế đến là Tổng công ty điện lực Miền Nam với việc gánh 325,36 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực miền Trung "nhận" 208,73 tỷ đồng. Hai Tổng công ty điện lực Tp HCM và Hà Nội nhận khoản "trách nhiệm" thiết bị đầu cuối thay cho EVN Telecom thấp nhất, lần lượt là 69,75 tỷ đồng và 44,908 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc điều chuyển khoản chi phí trên, EVN Telecom phát hành hóa đơn ghi nợ cho các Tổng công ty điện lực, các Tổng công ty điện lực nhận nợ đồng thời hạch toán giảm nợ phải trả, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị.
Sau đó, 5 Tổng công ty này đã phân bổ 241,17 tỷ đồng, hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2010. Tổng công ty điện lực miền Nam là đơn vị đã hạch toán vào kết quả kinh doanh khoản chi phí này ở mức lớn nhất lên tới 107,84 tỷ đồng.
Mặc dù, việc phân bổ chi phí trên được các Tổng Công ty điện lực hạch toán riêng vào chi phí viễn thông, không hạch toán vào giá thành phân phối điện nên không ảnh hưởng đến giá thành điện nhưng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các đơn vị.
Theo cơ quan kiểm toán, thực chất điều chuyển chi phí thiết bị đầu cuối 1.026 tỷ đồng chính là việc chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVNTelecom sang các Tổng công ty điện lực.
Chưa kể, các văn bản ban hành của EVN về vấn đề này chưa hợp lý. Cơ quan Kiểm toán khẳng định, việc điều chuyển tăng vốn, giảm vốn giữa EVNTelecom và các Tổng công ty điện lực theo Quyết định số 323A/QĐ-EVN ngày 31/3/2010 không bằng tiền hay tài sản và không theo hình thức thanh toán là không tuân thủ Quy chế Quản lý tài chính năm 2006 và Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN năm 2007.
Văn bản số 1827/EVN-TCKT ngày 27/5/2011 chướng dẫn các Tổng công ty điện lực và EVN Telecom hạch toán, phát hành hóa đơn trên nguyên tắc thanh toáa cũng là chưa hợp lý vì giá trị hiệu lực của văn bản lại quy định hồi tố lại đối với các chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối từ năm 2006-2008.
Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước không chấp nhận việc phân bổ 241 tỷ đồng chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối của EVN Telecom vào kết quả kinh doanh của các Tổng công ty điện lực như vậy.
Ngoài những rích rắc trong chuyện đẩy trách nhiệm từ EVN Telecom sang các công ty điện lực, các quy định về phân chia kết quả kinh doanh viễn thông cũng không nhất quán, quy chế tài chính kinh doanh viễn thông thay đổi liên tục.
Theo Vef