Sự kiện hot
10 năm trước

Không giảm giá sẽ bị tẩy chay!

Trước đề nghị và đôn đốc của liên ngành Tài chính và Giao thông vận tải (GTVT), hiện đã có 15 hãng taxi tại Hà Nội nộp hồ sơ về giảm giá cước.


Nếu không giảm giá hợp lý, không chỉ DN taxi mà các DN vận tải nói chung sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Ảnh: nguồn Internet

Có ý kiến nhận định, với việc giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua thì việc giảm giá cước vận tải là phù hợp và cần thiết. Bởi vậy, nếu không thực hiện giảm giá, doanh nghiệp (DN) có thể bị người tiêu dùng tẩy chay.

Phải tăng chủ động

Bà Trương Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước của khoảng 70 DN, trong đó trên 50 DN kinh doanh vận tải bằng taxi, gần 20 DN kinh doanh vận tải tuyến cố định và 22 DN kinh doanh vận tải bằng container.

Kết quả kiểm tra hồ sơ kê khai giá cước từ đầu năm đến giữa tháng 9/2014 cho thấy, hầu hết DN đều kê khai điều chỉnh tăng giá cước so với hồ sơ kê khai giá cước liền kề gần nhất. Mức tăng giá phổ biến bình quân khoảng 500 - 800 đồng/km, tương đương tăng khoảng 4 - 6% đối với loại hình taxi, cá biệt có DN tăng giá đến 1.000 đồng/km so với mức giá kê khai liền kề từ đầu năm 2012.

Còn, tính đến ngày 13/11, có 15 hãng xe nộp hồ sơ kê khai giảm giá như: Group, ABC, Vạn Xuân, Thanh Nga, Thiên Phong… Mức giảm giá của các DN phổ biến từ 500 - 1.000 đồng/km đối với loại hình taxi và giảm khoảng 6 - 10% loại hình vận tải tuyến cố định. Như vậy, báo cáo hồ sơ tăng, giảm giá của các DN cộng với diễn biến trên thực tế thị trường thì khi giá xăng lên các DN chủ động tăng giá cước, còn khi giá xăng giảm sâu tới lần thứ 9 thì phải có sự đề nghị, đôn đốc, nhắc nhở của Sở Tài chính thì một số DN mới thực hiện.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đối với taxi chi phí nhiên liệu chiếm tới 50% giá thành, còn các loại xe chạy tuyến cố định, tỷ lệ này dao động 35 - 50%. Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm, nhất là dịp giảm sâu đầu tháng 11 nên việc DN tính toán để giảm cước vận tải là hợp lý và rất cần thiết.

Nhìn nhận từ góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, vài năm gần đây giá xăng dầu nhiều lần điều chỉnh, có lúc tăng cao lên tới gần 25 nghìn đồng/km nhưng hầu hết DN vận tải đều cố gắng “cầm cự” để giữ nguyên mức giá, số DN tăng giá cước khá ít. Do đó, khi giá nhiên liệu đầu vào giảm như hiện nay, chỉ những DN vận tải nào đã tăng cước trong năm 2014 thì mới phải tính toán để điều chỉnh lại, còn những DN không tăng, đề nghị được giữ nguyên mức giá.

Để giảm “đề nghị”

Theo bà Trương Thị Thu Hằng, trong tháng 9 và 10/2014, Sở Tài chính đã có cuộc kiểm tra với 5 DN. Kết quả, một số DN có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với số liệu các khoản chi phí trong hồ sơ kê khai giá cước nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu DN rà soát lại. Thực tế, nếu rà soát lại thì có những DN sẽ phải giảm giá cước lên tới 10%.

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải thì cho rằng, báo cáo các địa phương cho thấy, nhiều DN thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã thực hiện kê khai giá, đề nghị các DN khẩn trương rà soát lại giá thành để có kê khai. Bởi với mức độ nhiên liệu hiện nay thì DN không thể nói không giảm giá được. Đồng thời, DN cần phải tính toán để tạo mức độ giảm giá đồng loạt chứ không giảm giá đơn lẻ như trước. Mặt khác, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, cái gì thuộc trách nhiệm của Bộ nào thì tháo gỡ ngay vướng mắc không để công tác kê khai giá nhiêu khê, khó khăn.

Dưới góc nhìn của DN, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng Taxi Thành Công cho rằng, theo chủ trương chung của Sở Tài chính và GTVT thì Thành Công là một trong số DN đã giảm giá khoảng 500 đồng/km mà vẫn phải cố gắng đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt. DN không giảm có thể bị khách hàng tẩy chay. Thế nhưng, về phía giá dịch vụ cần khách quan nhìn nhận rằng, giá taxi Hà Nội đang ở mức rẻ hơn điạ phương khác từ 10 - 15%. "Vì vậy, chúng tôi rất muốn giá nhiên liệu ổn định để DN nói riêng không phải chạy theo. Về phía ban, ngành chức năng, cần có cái nhìn dài hơi, tổng thể từ đó chính sách phù hợp để giá cước được điều hành theo cơ chế thị trường, nếu DN nào không đảm bảo chất lượng, giá cước thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay".

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, có 4 vấn đề chính đang tồn tại trong loại hình vận tải bằng taxi đó là: Thực trạng giá xăng và chi phí đầu vào; kê khai giá cước; hoạt động của DN taxi tại Hà Nội và thực hiện bình ổn giá. Trong khi cơ quan quản lý muốn bình ổn giá trên thị trường thì DN lại có góc nhìn phải tồn tại trước cơ chế thị trường. Bởi vậy, cần phải có cái nhìn ở thời gian dài chứ không chỉ nhìn thời gian ngắn trong năm 2014. Cách đánh giá vấn đề làm sao cho thấu đáo từ đó ban hành chính sách hợp lý.

 Hữu Oanh
theo Thanh tra

Từ khóa: