Sự kiện hot
11 năm trước

Không in mới, đưa tiền lẻ đã qua sử dụng lưu thông dịp Tết

Ngày 24/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay Ngân hàng Nhà nước không in tiền đồng mệnh giá từ 2.000 trở xuống và sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng ra lưu thông để phục vụ nhu cầu sử dụng tiền lẻ của người dân.


Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng ra lưu thông vào dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Quý Trung /TTXVN).

Theo Phó Thống đốc, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao cả về số lượng và cơ cấu mệnh giá vào dịp Tết Nguyên đán 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ như cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.

Để triển khai thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở giao dịch có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho các tổ chức tín dụng , Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hàng năm trước dịp Tết Nguyên đán, cơ quan này thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, chỉ một phần lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại chủ yếu được dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Sau Tết số tiền này lại quay trở lại ngân hàng và rất khó đưa trở lại lưu thông.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội vì chi phí in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Ước tính, chi phí cho hoạt động in tiền mới mệnh giá nhỏ chiếm tới trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực.

Mặt khác, tại các khu di tích, đến, chùa, lễ hội, tiền mệnh giá nhỏ được người hành hương đi lễ đền, chùa sử dụng chưa phù hợp, điều này phần nào đã tạo ra những hình ảnh phản cảm, ảnh hướng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian và làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền chùa, lễ hội.

Văn bản cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng có hệ thống máy ATM cần đặc biệt quan tâm tăng cường tiếp quỹ các máy ATM và tìm giải pháp đảm bảo hệ thống thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.

Phó Thống đốc cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đổi tiền mới nhằm hưởng chênh lệch. Chính vì vậy, ngày 9/12/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Thúy Hà
theo Vietnam+

Từ khóa: