Về cơ bản, Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng tình với ý kiến của ĐBQH là "không lấy ngân sách nhà nước, tiền của dân để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại".
Về cơ bản, Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng tình với ý kiến của ĐBQH là "không lấy ngân sách nhà nước, tiền của dân để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại".
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết quan điểm trên khi trả lời chất vấn bằng văn bản của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) “vì sao trong khi các ngân hàng thương mại đang lãi lớn, thu nhập của lãnh đạo và nhân viên cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của xã hội, người dân và DN không vay được vốn, thế mà Bộ trưởng vẫn định dùng số tiền ít ỏi của dân để trả nợ xấu cho ngân hàng thương mại?”.
Liên quan đến nợ xấu ngân hàng, trước khi đặt câu hỏi trên, ĐB Khánh dẫn thông tin nêu trong đề án tái cấu trúc kinh tế: “Ngân sách nhà nước có thể phải gánh chịu một phần chi phí trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại” và đề nghị Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết “Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện không có quy định nào thế này, vậy Bộ trưởng căn cứ vào đâu để đưa ra quy định ấy?”.
Bà Khánh đặt vấn đề: Nếu dùng số tiền ít ỏi của dân để trả nợ xấu cho ngân hàng thương mại thì sẽ có bao nhiêu con đường, bệnh viện, trường học không được xây dựng vì ngân sách phải trả nợ xấu của các ngân hàng đó?
Các món nợ xấu đó có liên quan gì đến việc giải quyết Vinashin trước đây hay có lãnh đạo, quan chức nào đang bảo lãnh nợ xấu hay không? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với nhân dân về đề xuất này như thế nào?
Trong văn bản trả lời ĐB, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư dẫn lại các giải pháp Chính phủ đã thực hiện để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong thời gian qua và cho biết, theo số liệu đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của ngân hàng tính chung trong toàn hệ thống tăng từ 6% đến mức 10%.
Nợ xấu lớn như vậy làm cho chi phí vốn các ngân hàng thương mại phải gánh 10% nợ xấu cho nên chi phí vốn thực tế của các ngân hàng vẫn còn cao. Do vậy, chiều hướng chung có giảm nhưng chưa thể giảm được như mong muốn.
“Như vậy, một trong những biện pháp cần làm để khơi thông được nguồn vốn tín dụng là phải xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Về cơ bản, Bộ Kế hoạch Đầu tư đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Thị Quốc Khánh là không lấy ngân sách nhà nước, tiền của dân để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.
Ông Vinh đồng thời cho biết Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
“Hiện nay, phương án cụ thể để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo. Tất cả biện pháp hỗ trợ của Chính phủ cho đến nay đều là giải pháp phi tài khóa; Chính phủ chưa sử dụng bất kỳ một khoản chi ngân sách nào để hỗ trợ thanh khoản, xử lý các khoản nợ của các tổ chức tín dụng”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước đó, cũng trả lời chất vấn ĐBQH tại kỳ họp này về số nợ xấu ngân hàng và hướng giải quyết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, tính đến ngày 30.4.2012, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108,6 nghìn tỉ đồng, tăng 28,18 nghìn tỉ đồng (35%) với tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai để xử lý nợ xấu, đáng chú ý có giải pháp: các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nguyệt Minh
Theo Thanhnien