Smartphone chỉ cần sạc một, hai tiếng là đã đạt mức tối đa, nếu để sạc điện thoại qua đêm pin sẽ chai dần theo thời gian.
Smartphone hiện sử dụng pin lithium-ion, có dung lượng lớn hơn và sạc với tốc độ nhanh hơn các loại pin cũ. Tuy nhiên, cách con người dùng điện thoại ngày nay cũng khác xa thời trước.
Người sử dụng smartphone sẽ liên tục kiểm tra email, nhắn tin, nghe nhạc, chơi game, xem video, duyệt Facebook... mỗi ngày. Những hoạt động này khiến pin phải hoạt động liên tục và cạn kiệt sớm hơn kỳ vọng.
Bên cạnh đó, họ cũng có thói quen sử dụng smartphone cho tới lúc đi ngủ, khi pin điện thoại chỉ còn vài phần trăm. Vì thế, nhiều người thích cắm sạc điện thoại qua đêm để khi tỉnh dậy, smartphone đã đầy 100% pin - sẵn sàng cho một ngày mới.
John Bradshaw, quản lý của Cadex Electronics, chia sẻ trên tạp chí Time rằng các thiết bị sạc hiện đại đều được trang bị mạch ngắt, do đó người dùng không cần lo lắng pin có thể quá tải khi sạc quá lâu.
Edo Campos, phát ngôn viên của Anker cũng khẳng định: "Smartphone hiện đại rất thông minh và biết khi nào cần ngắt sạc. Khi pin đầy, chip quản lý bên trong điện thoại sẽ ngắt dòng điện và bộ sạc sẽ ngừng hoạt động".
Thói quen dùng đến khi cần hết pin và sau đó sạc qua đêm gây hại cho pin điện thoại. Ảnh: Popular Science
Vậy tại sao vẫn không nên sạc pin qua đêm? Trang công nghệ Gizmodo khuyến cáo, một lý do không nên sạc qua đêm là người dùng tránh để pin đầy 100% mới rút sạc để giảm áp lực lên pin, nhưng cũng đừng đợi pin về gần 0% mới cắm sạc.
Bên cạnh đó, theo Time, smartphone chỉ cần sạc một hoặc hai tiếng đồng hồ là đã đạt mức tối đa, nhưng khi người dùng đang ngủ, điện thoại vẫn tiếp tục nhận thông báo từ Facebook, email, tin nhắn mới... Các hoạt động này tiêu tốn pin và khi thấy pin hơi giảm đi, bộ sạc sẽ nạp lại năng lượng cho máy. Kiểu sạc nhỏ giọt làm tăng nhiệt độ và làm pin hao mòn theo thời gian.
"Thử tính xem, ngày nào cũng sạc pin qua đêm nghĩa là số thời gian điện thoại của bạn được cắm sạc lên tới 3-4 tháng mỗi năm. Cho dù các nhà sản xuất có cố gắng cải thiện chất lượng pin thì thói quen này cũng làm pin của bạn ngày càng kém đi", Hatem Zeine, đồng sáng lập công ty sạc không dây Ossia, cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều điện thoại sử dụng công nghệ đó sạc nhanh, giúp tăng tốc độ sạc nhưng lại có thể khiến tuổi thọ pin giảm đi.
Nhiều người đã nghe nói đến các khuyến cáo trên nhưng không thực hiện theo bởi sự sụt giảm dung lượng pin thường chỉ thể hiện rõ từ năm thứ hai trở đi. Nếu thường xuyên đổi điện thoại 1-2 năm một lần thì pin không phải vấn đề càn lo lắng. Nhưng nếu trung thành với một thiết bị vài năm, bạn nên sử dụng chúng một cách khoa học.
Minh Minh
Theo VnExpress/Số Hóa