Sự kiện hot
13 năm trước

Không nên thần thánh hóa hoa Ưu Đàm

Mấy ngày qua, thông tin về hoa Ưu Đàm xuất hiện tại nhiều nơi như Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Nam… khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Các nhà sinh học đã vào cuộc giải thích vấn đề này.

Mấy ngày qua, thông tin về hoa Ưu Đàm xuất hiện tại nhiều nơi như Hải Phòng, Phú Yên, Quảng Nam… khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Các nhà sinh học đã vào cuộc giải thích vấn đề này.

GS.TSKH Trịnh Tam Kiệt, phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực chất loài hoa mà người ta gọi tên là hoa Ưu Đàm là sinh vật bậc thấp, chưa có cấu trúc mô. Có thể gọi tên đúng của “hoa” này là nấm nhầy bởi cơ thể là một khối nhầy.

Không nên thần thánh hóa

Truyền thuyết kể rằng, hoa Ưu Đàm Bà la (Udumbara), gọi tắt là hoa Ưu Đàm. Hoa này khai nở là một sự kiện hy hữu chỉ xảy ra 3.000 năm một lần. Chính điều này đã khiến không ít người khi nhìn thấy hoa Ưu Đàm nở đã vô cùng kinh ngạc và nghĩ nhiều đến những điều tâm linh.

Hoa lạ, được cho là hoa Ưu Đàm mọc ở nhà ông Lê Văn Mậu ở khu phố Ninh Tịnh
2, phường 9, TP Tuy Hòa - Phú Yên (Ảnh: Nguyễn Hữu
)

Tuy nhiên, GS Kiệt lý giải, sở dĩ người ta thường thần thánh hóa loài nấm này là vì sự xuất hiện của chúng cũng thực sự đặc biệt. Chúng thường xuất hiện trên các bức tượng phật bằng đồng, đá hoặc các thanh thép, lá cây… tuy nhiên phải là môi trường tốt lành, điều kiện môi trường sinh thái tốt chúng mới xuất hiện.

Mặc dù vậy, hiện tượng này cũng không phải quá lạ bởi trước đó, vào năm 1997, người ta cũng đã phát hiện thấy hoa Ưu Đàm nở đã tại Hàn Quốc và sau đó là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Bắc California, New York và Texas.

Đại đức Pháp Trí, chùa Từ Đàm, Thừa Thiên – Huế cũng rất ngạc nhiên khi nghe thông tin về việc nhiều người nhìn thấy hoa Ưu Đàm. Theo ông, chưa ai nhìn thấy hoa Ưu Đàm trên thực tế. Những người theo đạo Phật, đọc kinh sách còn xem hoa này như là hoa Cát tường – biểu trưng cho sự tốt lành, một sự thay đổi lớn của đất trời. “Nếu nói nhìn thấy hoa Ưu Đàm nở ngoài tự nhiên thì thực sự khó hiểu, cần phải nghiên cứu kỹ”, đại đức Pháp Trí nói.

GS Kiệt cũng cho rằng, không nên thần thánh hóa sự xuất hiện loài thực vật này.

Chỉ là một loài nấm

Quan sát qua kính hiển vi có độ phóng đại lên 400 lần, GS Kiệt càng khẳng định hơn giả thiết mình đưa ra. GS Kiệt miêu tả, theo mẫu hoa Ưu Đàm mà ông có được thì đây là một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Thân của thể nhầy này mới phát triển, chưa có hoa và cũng trong suốt như pha lê. GS Kiệt cho biết, nấm nhầy có thể nhận biết được dễ dàng vì cơ thể chúng là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử. Khi có điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi sẽ phát triển.

Hoa lạ, được cho là hoa Ưu Đàm mọc ở nhà ông Lê Văn Mậu ở khu phố Ninh
Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa - Phú Yên (Ảnh: Nguyễn Hữu)

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, chưa thể khẳng định được loài này. Nếu cho rằng đây là loài nấm nhầy cũng chưa đủ cơ sở vì nấm nhầy không dễ xuất hiện cả trên đồng, sắt và trên lá cây giống như ảnh các báo chí đã nêu. TS Chính cũng nghĩ nhiều đến nấm mốc, bởi với nấm mốc cũng có thể xuất hiện cả ở trong tủ lạnh. “Nếu cho đây là nấm nhầy thì cần phải nghiên cứu kỹ về môi trường sống. Cần hướng nhiều hơn đến sự biến đổi của môi trường”, TS Chính nói.

Ngày 3.5, người ta phát hiện hình ảnh hoa Ưu Đàm nở trên chuông đồng tại đền Tràng Kênh, Hải Phòng. Sau đó, ông Lê Văn Mậu ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa - Phú Yên cũng phát hiện một chùm hoa lạ trong vườn nhà. Chùm hoa có 24 bông màu trắng li ti, cây hoa có chiều cao khoảng 0,8cm, hoa có hình chuông, màu trắng, nhiều cánh, thân mảnh như sợi tơ giống hình dáng loài hoa Ưu Đàm mà báo chí gần đây thông tin. Sau đó, anh Huỳnh Vinh Quang, trú tại số 312 Trưng Nữ Vương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện ban công nhà anh có nhiều bông “hoa lạ” đang nở giống hệt loài hoa Ưu Đàm trước đây được phát hiện tại Phú Yên. Những bông hoa này đang mọc đều trên một thanh thép là tấm lưới B40. Chiều cao hoa tính từ gốc đến đỉnh bông hoa dài khoảng gần 0,8cm. Thân hoa rất mảnh chỉ như sợi tơ có màu trắng. Bông hoa có hình quả chuông nhỏ li ti màu trắng ngà, rất khác lạ. Như vậy, ở Việt Nam, hoa Ưu Đàm đã xuất hiện ở Quảng Nam, Thái Nguyên, Nam Định, TP.HCM, Phú Yên.



Bích Ngọc
Theo Datviet

Từ khóa: