Sự kiện hot
12 năm trước

Khúc quanh lãi suất

“Bài thuốc” giảm lãi suất thời gian qua đem đến những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Dù vậy, không bài thuốc nào có thể dùng mãi và việc lạm dụng có khả năng đem lại những tác dụng nghịch.

“Bài thuốc” giảm lãi suất thời gian qua đem đến những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Dù vậy, không bài thuốc nào có thể dùng mãi và việc lạm dụng có khả năng đem lại những tác dụng nghịch.

Có một giai đoạn, Ngân hàng Nhà nước duy trì trần lãi suất ở mức cao. Khi ấy, lạm phát nhiều tháng liên tục không giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ với mục tiêu kiềm chế lạm phát được tiến hành một cách kiên định. Nay thì tình hình đang có diễn tiến ngược lại, những bước giảm lãi suất liên tiếp, tốc độ tăng CPI giảm dần rồi đã âm trong hai tháng gần đây...

Đến thời điểm hiện tại, lãi suất đang ở vào một khúc quanh mới. Ngân hàng Nhà nước vẫn phát tín hiệu rằng lãi suất có thể giảm thêm 1 - 2%/năm từ nay đến cuối năm, lý do là mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của nước ta vẫn còn cao so với thế giới và chỉ số CPI vẫn trong xu thế giảm nên người gửi tiết kiệm sẽ nhận được lãi suất thực dương. Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy điều này không dễ xảy ra.

“Bài thuốc” giảm lãi suất thời gian qua đem đến những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, mà rõ nhất là giới doanh nghiệp đã dễ thở hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá hợp lý hơn. Dù vậy, không bài thuốc nào có thể dùng mãi và việc lạm dụng có khả năng đem lại những tác dụng nghịch.

Cũng như giai đoạn duy trì lãi suất cao dù đã giúp kiềm chế được lạm phát đồng thời phân loại được ngân hàng yếu để tiến hành tái cơ cấu, thì hệ quả của nó là một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp lâm vào tình trạng kiệt quệ, căng thẳng thanh khoản diễn ra trong hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, tổng cầu xã hội suy giảm…, đưa đến một giai đoạn trì trệ như hiện nay.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam đã giảm bốn tháng liên tiếp, tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011, chứng tỏ nền kinh tế đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Chính vì vậy, rất có thể lãi suất chưa thể xuôi chiều giảm tiếp mà đang ở một khúc quanh khó dự báo. Có những tín hiệu cho thấy điều đó. Đầu tiên, lãi suất giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng không tăng tương ứng, chứng tỏ cầu tín dụng không cao, do ảnh hưởng của suy giảm tiêu dùng và hàng tồn kho lớn của các doanh nghiệp.

Tiếp đó, lãi suất giảm nhưng vẫn chưa khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng tiêu dùng và đầu tư như kỳ vọng. Tiền đổ vào kênh tiết kiệm không giảm trong khi người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, nhằm tự đề phòng rủi ro.

Trong thời điểm như hiện nay, nhiều người băn khoăn vì sao một số mặt hàng ảnh hưởng đến giá cả đầu vào như điện, xăng dầu… vẫn đang và sẽ có xu hướng tăng, dù cho đã có những lời giải thích về giá thế giới tăng hay do lộ trình tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường.

Còn một số dấu hiệu khác cho thấy sự kháng cự của lộ trình “lãi suất giảm”, đó là lãi suất huy động ngắn hạn giảm theo trần lãi suất nhưng lãi suất dài hạn mà các ngân hàng thương mại huy động không giảm tương ứng mà có xu hướng tăng, chứng tỏ có một sự kỳ vọng lạm phát tăng trong dài hạn.

Điều này càng thể hiện rõ ở thị trường trái phiếu chính phủ, khi cầu mặt hàng này tháng 7 vừa qua đã giảm so với trước trong khi mức lãi suất lại tăng.

Trong phiên đấu thầu gần đây, Chính phủ chỉ phát hành được 1.150 tỉ đồng tín phiếu, đạt 23% kế hoạch đề ra, trong đó lãi suất trúng thầu của kỳ hạn hai năm là 9,5% (tăng 0,61 điểm phần trăm so với tháng trước), kỳ hạn ba năm là 9,75% (tăng 0,75 điểm phần trăm) và của kỳ hạn năm năm là 9,9% (tăng 0,45 điểm phần trăm).

Vậy nên, có thể nói chỉ riêng lãi suất là chưa đủ để “kích” nền kinh tế, mà cần nằm trong tổng thể của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khúc quanh lãi suất từ nay đến cuối năm như thế nào đang tùy thuộc vào sự phát huy hiệu quả của chính sách tổng thể đó.

Theo DNSG

Từ khóa: