Đó là câu nói mà chị Khương Thị Bích Hằng - Một người khiếm thị rất tâm đắc và cũng là động lực thôi thúc chị không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và là một người trẻ có đam mê với hoạt động xã hội.
Chị Hằng sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo tại huyện Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định. Ngay từ khi sinh ra, chị đã hoàn toàn không biết đến ánh sáng là như thế nào. Chị hình dung cả thế giới xung quanh qua những lời mô tả của bố mẹ. Mặc dù gia đình đã cố gắng chạy chữa, nhưng căn bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh và dây thần kinh thị giác phát triển không hoàn thiện của chị chưa có phương pháp điều trị tích cực. Sau này, người em trai của chị cũng bị căn bệnh tương tự và không thể nhìn thấy ánh sáng.
Chị Khương Thị Bích Hằng (thứ 3 từ phải sang) chụp cùng Đại sứ Mỹ và các học sinh khuyết tật, tình nguyện viên tổ chức “Vietnam and Friends”
Tại một vùng quê nghèo, điều này bị coi là bất hạnh của một gia đình. Bố mẹ chị rất đau đớn, dằn vặt và trăn trở không biết làm sao để nuôi dạy những đứa con khiếm thị? Làm thế nào mà để những đứa con của mình không trở thành gánh nặng của xã hội? Làm thế nào để chúng có thể tự nuôi sống được bản thân mình?
Hiểu được sự trăn trở và lo lắng của bố mẹ, cũng như hiểu được hoàn cảnh của bản thân. Chị luôn nỗ lực và cố gắng trong cả sinh hoạt và học tập, chưa bao giờ để bố mẹ phải buồn lòng, cố gắng tự làm mọi thứ có thể để không trở thành gánh nặng cho người khác.
Năm 8 tuổi, chị được đi học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh qua những bài giảng và chương trình dạy tiếng Anh trên đài phát thanh. Chẳng biết từ khi nào, đam mê tiếng Anh đã ngấm dần vào trong máu của một cô bé khiếm thị như chị. Chị thường hay tìm hiểu về tên những đồ vật quen thuộc bằng tiếng Anh, sau đó thì nghe bài hát bằng tiếng Anh, đến giờ chị vẫn nhớ những bài hát mà mình yêu thích từ những ngày đầu học tiếng Anh.
Chị tâm sự: “Khi được các thầy cô định hướng theo học tiếng Anh ở trình độ cao hơn, tôi chưa hề nghĩ tới điều đó. Vì tôi bỗng nhiên sợ hãi, tôi không tự tin để theo đuổi đam mê này, nhưng rồi tôi cũng thử và trở thành sinh viên khoa sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh”.
Trong suốt bốn năm đại học, chị luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất đến cộng đồng những người khiếm thị nói riêng và cộng đồng nói chung. Trong số đó có thể kể đến vị trí Trưởng ban Nội dung – Dự án The EYES Project - Dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Dự án đã tổ chức kết nối các nhóm bao gồm các bạn khiếm thị và không khiếm thị để các bạn có cơ hội kết nối, thấu hiểu và phá tan những định kiến về cộng đồng người khuyết tật; Thành viên Ban Tổ Chức – Điều phối sự kiện “Trải nghiệm bóng tối” do Tổ chức Samaritan’s Purse tài trợ - nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về năng lực người khiếm thị, từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị; Thành viên Ban Quản lý lớp học Cầu Vồng – tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục, tổ chức các lớp học miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, và quyên góp tặng quà hỗ trợ cho người nghèo và bệnh nhân ung thư; Điều phối và Quản lý dự án “One World – One Language” – Dự án dạy tiếng Anh miễn phí trên địa bàn Hà Nội của tổ chức “Vietnam and Friends”; Điều phối dự án “My Vision” – dự án về dịch vụ hành chính công của người khiếm thị bước ra từ cuộc thi công dân số toàn cầu năm 2021 (YDCC) do UNDP Vietnam phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội, Cung thanh niên tổ chức, hướng tới cung cấp những thông tin, thủ tục liên quan đến hành chính công trên các nền tảng tiếp cận với người khiếm thị.
Bên cạnh đó, chị tích cực tham gia vào các tổ chức của người khuyết tật như: Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội; Mạng lưới sinh viên khiếm thị Hà Nội; Hội người mù tỉnh Nam Định; Giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ em khiếm thị …
Chị Hằng cho biết: “Mỗi một dự án tình nguyện đem đến cho chị nhiều trải nghiệm mới, gặp được nhiều người bạn mới và học hỏi được những điều bổ ích. Nhận ra rằng, bản thân mình vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày và sẽ nỗ lực hơn mỗi ngày, để yêu thương bản thân, yêu thương mọi người xung quanh mình nhiều hơn, san sẻ và giúp đỡ cộng đồng khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung, dù những điều đó là nhỏ bé nhất”.
Với ý chí vươn lên và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, chị Hằng vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.
Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác.
Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội.
Hoàng Nhung/KTDU