Sự kiện hot
13 năm trước

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu 33.900 tỷ đồng

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 18 năm ngày thành lập và ra mắt tờ Báo Kiểm toán.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 18 năm ngày thành lập và ra mắt tờ Báo Kiểm toán.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái nhấn mạnh trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước tạo lập môi trường pháp lý cho tổ chức và hoạt động kiểm toán. Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ năm 2006 là dấu son đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Kiểm toán Nhà nước với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động và chỉ tuân theo pháp luật.

Tính đến thời điểm hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã hình thành bộ máy tập trung gồm 30 đơn vị cấp vụ trực thuộc với hơn 1.700 cán bộ, kiểm toán viên, công chức, viên chức và người lao động.

18 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 33.900 tỷ đồng; giảm chi 18.706 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không còn phù hợp thực tế; đề xuất nhiều ý kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính ngân sách...

Trong những năm gần đây, nhất là năm 2012, Kiểm toán Nhà nước ngày càng mở rộng hoạt động về quy mô, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán và hiệu quả kiểm toán; tập trung vào mục tiêu đánh giá hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ triển khai và đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội từng năm, trung hạn và dài hạn, theo sát các kế hoạch, chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chính sách, nội dung và lộ trình tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu hệ thống tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ ưu tiên đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm được dư luận quan tâm, dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát như quản lý sử dụng đất, quản lý tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, các tổ chức tín dụng...

Nhân dịp này, Báo Kiểm toán - cơ quan ngôn luận của Kiểm toán Nhà nước chính thức ra mắt bạn đọc. Thay mặt Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã trao Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo Kiểm toán và quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Kiểm toán cho ông Nguyễn Thắng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kiểm toán.

Việc ra đời tờ báo này là bước triển khai Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, nhằm “tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về pháp luật đối với tổ chức và hoạt động kiểm toán, thực tiễn kiểm toán…”.

Báo Kiểm toán sẽ thông tin kịp thời các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; tiếp nhận và phản hồi ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với xã hội; công bố công khai kết luận kiểm toán theo quy định, giới thiệu kinh nghiệm và hoạt động kiểm toán quốc tế.

Báo sẽ có 2 ấn phẩm: Báo Kiểm toán ra ngày thứ 5 hàng tuần và đặc san Kiểm toán cuối tháng ra ngày 25 hàng tháng./.

Theo TTXVN

Từ khóa: