Theo chuyên gia kinh tế, cần giải quyết sớm "món nợ" nợ xấu. Ngoài ra, cũng cần giảm thêm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tốt nhất nên tự do hóa lãi suất, cho thị trường quyết định.
Theo chuyên gia kinh tế, cần giải quyết sớm "món nợ" nợ xấu. Ngoài ra, cũng cần giảm thêm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tốt nhất nên tự do hóa lãi suất, cho thị trường quyết định.
Tại hội thảo "Bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng Việt Nam 2012 và một số khuyến nghị 2013" tổ chức ngày 25.12, ông Nguyễn Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2013 nổi lên một số điểm thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Đó là việc thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng đã có trong kế hoạch khiến cho lạm phát có thể gia tăng. Trong khi toàn hệ thống ngân hàng phải tập trung thực hiện xử lý nợ xấu một cách quyết liệt cũng phải đảm nhận vai trò cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý đối với nền kinh tế theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Doanh nghiệp đang ngóng chờ các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Ảnh: Xuân Trường
Chỉ mặt điểm tên những nhiệm vụ cần phải làm triệt để trong 2013, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh thẳng thắn nói: Cần giải quyết sớm "món nợ" nợ xấu. Ngoài ra, cũng cần giảm thêm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tốt nhất nên tự do hóa lãi suất, cho thị trường quyết định.
Theo T.S Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia: "Phần lớn nợ xấu lại tập trung vào một số ngân hàng thương mại; thậm chí có những ngân hàng nợ xấu lên đến 40%. Hiện, chúng ta đang vướng từ 4- 6 ngân hàng nhỏ, không đủ khả năng vay trên thị trường liên ngân hàng nên lại "xông" ra thị trường dân cư huy động vốn bằng mọi giá"- ông Nghĩa cho biết. Bởi vậy, cần thiết phải xử lý gọn và nhanh số ngân hàng này, nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ càng thêm khó.
Phương Hà
theo Dân Việt