Ngày 19.8, Bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (NMPP), huyện đảo Phú Quốc - cho biết đã chính thức kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Bảo tàng NMPQ.
“Việc công nhận này là một trong những điều kiện cơ bản để chúng tôi có cơ sở pháp lý đề xuất kiến nghị sau thời gian dài đã chủ động chuẩn bị” - bà Liên nhấn mạnh thêm - “Chúng tôi đã thuê chuyên gia viết đề án và chủ động tổ chức liên kết phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để sưu tầm, thu gom, đóng góp hiện vật... nhằm khắc họa một cách đầy đủ và có hệ thống về nghề và làng nghề có trên 200 năm tuổi”.
Được biết, theo ý tưởng của Hội NMPQ, khu bảo tàng có tổng diện tích khoảng 10ha. Trong đó, ngoài nhà bảo tàng trưng bày hiện vật về làng nghề trên 200 năm tuổi, còn có khu trưng bày sản phẩm với tư cách là hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức... của du khách tham qua. Ngoài ra, còn có diện tích để tổ chức lễ hội NMPQ (Festival Nước mắm Phú Quốc) dự kiến tổ chức 2 năm/lần.
Nước mắm Phú Quốc, hay còn gọi là nước mắm nhĩ, nước mắm Hòn, có trên 200 năm hình thành và phát triển trên cơ sở cá cơm sọc tiêu - nguyên liệu đặc thù của vùng biển Phú Quốc - được ủ chượp từ 18-24 tháng theo phương thức thủ công truyền thống của người dân nơi đây.
Hiện Phú Quốc có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 30 triệu lít (có độ đạm từ 20 – 43) mang lại doanh thu trên 600 tỷ đồng. Đặc biệt, NMPQ không chỉ là đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước bởi màu cánh gián đặc trưng và hương vị thơm ngon độc đáo... mà còn vì đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý và cũng là đặc sản đầu tiên của Việt Nam được Khối Liên minh Châu Âu công nhận, bảo hộ từ năm 2012.
Lục Tùng
Theo Lao động