Ngày 4-7, chỉ đạo tại hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ngày 4-7, chỉ đạo tại hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư ngân sách 2013-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Muốn vay vốn ưu đãi có doanh nghiệp đã phải xách hồ sơ tìm đến ba ngân hàng nhưng vốn rẻ vẫn chưa tìm thấy. Muốn vốn rẻ phải chờ, và nhiều ngân hàng công bố thấp nhưng cho vay với lãi suất cao.
Dù các ngân hàng (NH) liên tục công bố các gói cho vay ưu đãi, đặc biệt NH Nhà nước triển khai áp trần lãi suất cho vay 14%/năm (hiện là 13%) đối với ba lĩnh vực doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn, thế nhưng hơn một tháng qua việc tiếp cận nguồn vốn rẻ này không đơn giản như công bố.
Muốn vay vốn ưu đãi có DN đã phải xách hồ sơ tìm đến ba NH nhưng vốn rẻ vẫn chưa tìm thấy.
Muốn vốn rẻ phải chờ
Ngày 2-7, chúng tôi theo chân giám đốc Công ty may mặc K (Q.Tân Bình, TP.HCM) đi vay vốn. Cách đây một năm công ty đã vay trên 800 triệu đồng ở một NH cổ phần lớn và đang phải trả lãi suất lên đến 19%/năm. Để duy trì sản xuất và nuôi trên 50 công nhân, Công ty K hiện cần vay thêm 1-2 tỉ đồng...
Tại chi nhánh của NH ACB ở quận 1, sau khi nghe ông K. trình bày nhu cầu vay vốn, nhân viên tín dụng cho biết lãi suất 16,5-17%/năm. Thắc mắc về điều kiện để được vay theo lãi suất trần mà NH Nhà nước công bố, nhân viên tín dụng cho biết mức lãi suất này chỉ dành cho một số DN đặc biệt. Còn hiện tại mức lãi suất cho vay thấp nhất tại NH là 15,5%/năm nhưng chỉ áp dụng với DN vay từ 2 tỉ đồng trở lên và có doanh thu trên 5 tỉ đồng/tháng. Ông K. sẽ không được ưu đãi lãi suất vì DN mới thành lập được một năm, nằm trong diện hạn chế. “Dù báo chí có nói lãi suất giảm nhưng các NH cổ phần đâu có ai chịu giảm, NH tôi mà độc lập giảm thì không được” - nhân viên NH giải thích.
Đơn hàng giảm, công nhân không có việc làm đang là nỗi khổ của doanh nghiệp
giày da và may mặc. Trong ảnh: một doanh nghiệp may tại Gò Vấp gặp khó khăn
vì đơn hàng giảm 30% so với cùng kỳ
Điểm đến tiếp theo là NH Maritime Bank chi nhánh Cộng Hòa. Sau khi hỏi kỹ về tài sản thế chấp, tình hình DN, ông Trần Đại Phúc - giám đốc quản lý khách hàng chi nhánh - cho biết hiện tại NH có hình thức cho vay ngắn hạn cấp hạn mức một năm kể từ ngày ký hợp đồng với lãi suất 15-17%/năm, tùy theo xếp hạng DN. Tuy nhiên thường những DN mới sẽ khó được vay lãi suất thấp.
Ông Phúc dẫn ra trường hợp nhiều NH quảng cáo lãi suất 13-14%/năm nhưng khi DN hỏi NH nào cũng trả lời là nguồn đó giải ngân hết rồi. Số vốn này dành cho những công ty gần như là của NH, hay thân thiết với NH. “NH cũng như DN vậy, cũng có hàng tồn kho. Hàng của anh mua vào giá cao mà bán chưa hết thì vẫn phải bán giá cao. Còn chuyện lãi suất nói trên báo là các NH làm để quảng cáo thôi, lượng giải ngân có hạn và hết lượng đó thì thôi” - ông Phúc giải thích.
Không nản chí, ông K. tiếp tục gõ cửa NH Agribank chi nhánh Bàu Cát (Q.Tân Bình). Tại đây bà Hà, nhân viên tín dụng của NH, lật qua lật lại hồ sơ của DN rồi yêu cầu phải chuyển toàn bộ giao dịch về đây. Dù ông K. trình bày là có tài sản ở nhiều nơi nhưng bà Hà vẫn thẳng thừng: “Tài sản là một chuyện, còn vay được hay không lại là chuyện khác”. Một lát sau bà Hà điện thoại cho một người khác hỏi lại về lãi suất cho vay ngắn hạn. Sau cú điện thoại, bà Hà trả lời: “Khách hàng mới lãi suất 15,5%. Tôi mới hỏi bên trung tâm xong. Hay anh liên hệ các NH khác thử xem. Khách hàng mới đi đâu cũng phải chịu. Hay là anh vay cá nhân đi, nhanh hơn vay DN” - bà Hà gợi ý.
Trước tình cảnh gần như bế tắc trong việc tìm nguồn vốn rẻ, ông K. đành ngậm ngùi: “Cả tuần nay đi xoay vốn giờ không vay được thật sự tôi chẳng dám nhìn mặt công nhân của mình”. Không chỉ đau đáu với khoản nợ NH hơn 800 triệu đồng mà tiền nợ nguyên vật liệu, lương công nhân, nợ thuế cũng đã dồn lên 860 triệu đồng. Tuần trước cơ quan thuế đã đòi niêm phong nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của công ty ông K.
Không tiếp cận được vốn vay khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.
Trong ảnh: hơn 30 công nhân Công ty thực phẩm dinh dưỡng ĐH (Q.Tân Bình,
TP.HCM) cùng công ty cầm cự qua khó khăn. Công ty này có nhu cầu vay
4 tỉ đồng nhưng không còn tài sản thế chấp
Công bố thấp, cho vay cao
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), tính đến ngày 25-6 hội đã tiếp nhận đơn “kêu cứu” vì thiếu vốn của 11 DN thành viên. Phần lớn các DN này không đáp ứng nổi những điều kiện mà NH đưa ra, không còn tài sản để thế chấp và vướng nợ cũ lãi cao. Điển hình là Công ty thực phẩm dinh dưỡng ĐH cần vay 4 tỉ đồng để phục vụ sản xuất nhưng không còn tài sản để thể chấp, trong khi đó số tiền vay 4 tỉ đồng cách đây hơn một năm từ NH Vietbank vẫn phải trả lãi vay 19%/năm.
“Công ty tôi đang đứng bên bờ vực thẳm, thiếu vốn sản xuất nhưng đi vay vốn khắp nơi mà không được. Tôi phải đi gõ cửa nhiều nơi cầu cứu...” - bà Đặng Thị Hồng Kim, giám đốc công ty, than. Tương tự, ông Nguyễn Phước Hưng, thư ký Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết có 17 DN gửi yêu cầu đến hiệp hội nhờ hỗ trợ vay số vốn lên đến 129 tỉ đồng.
Trong khi đó, với các DN tiếp cận được vốn, lãi suất vẫn cao chót vót. Ông Nguyễn Chí Nguyện - phó chủ tịch FFA - cho rằng hiện nay DN vẫn phải vay với lãi suất 15-17%/năm, bởi mỗi NH đều có “hàng rào kỹ thuật” riêng.
Theo ông Trần Bá Dũng, phó giám đốc Công ty Hương My, lãi suất cho vay giảm rất chậm. Gần đây công ty ông vẫn còn phải trả lãi vay 18,56%/năm. Sau khi công ty phản ảnh tình trạng trên trong cuộc họp với UBND TP.HCM, các NH mới giảm lãi suất xuống 16,5%/năm. Tuy nhiên theo ông, thời gian cho vay của NH quá ngắn khiến DN không kịp đáo hạn. “Kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút, siêu thị nợ tiền hàng đến ba tháng trong khi thời gian cho vay sản xuất kinh doanh của NH chỉ khoảng sáu tháng nên DN không kịp thu hồi vốn. Như vậy khả năng tới đây DN vướng phải nợ xấu là rất cao” - ông Dũng nói. Ngoài ra cũng theo ông Dũng, có khoảng cách rất xa giữa lãi suất cho vay thực tế và lãi suất theo báo cáo của các NH. Các NH báo cáo lãi suất cho vay trong khoảng 14-15%/năm trong khi DN phải vay với lãi suất lên đến 19-20%/năm.
Chưa kể, tài sản thế chấp còn bị NH định giá rất thấp. DN tư nhân LN (Q.Bình Tân) cho biết cần vay 30 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn lưu động và mua nguyên phụ liệu nhưng đã bị NH từ chối vì “tài sản thế chấp không đảm bảo an toàn tín dụng”. Trong khi theo đại diện của DN này, sở dĩ tài sản thế chấp bị cho là không an toàn vì phía NH định giá thấp hơn khá nhiều so với giá trị thực.
Ông Đỗ Lam Điền, phó giám đốc khối khách hàng DN NH Maritime Bank, thừa nhận lãi suất cho vay tại NH từ 15-22%/năm, phổ biến 15-18,5%/năm, tùy xếp hạng rủi ro hệ thống. Ngoài ra NH còn đánh giá dựa trên tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của DN, phương án kinh doanh... Ông Điền cho rằng lãi suất cho vay cao do NH còn tồn vốn từ đợt huy động lãi cao trước đây. Ngoài ra lãi suất còn mang tính cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận, và khách hàng có quyền chọn lựa vay vốn ở NH có mức lãi suất thấp hơn. “NH đang ép các chi nhánh chạy chỉ tiêu tín dụng, săn lùng khách hàng tốt nhưng rất khó do phần lớn DN có nhu cầu vay vốn không thỏa điều kiện NH đưa ra. Trong khi DN đủ điều kiện vay lại không muốn vay do hàng hóa không bán được”, ông nói.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn thừa nhận chuyện đòi hỏi nhiều điều kiện mới giải ngân là điều có thật. Vì nếu NH không cẩn trọng trong cho vay dễ “dính” khách hàng đang có nợ xấu ở NH khác và đang phải xoay xở để trả nợ vay, hậu quả sẽ khó lường. NH ông hiện chỉ ưu tiên cho vay thế chấp tài sản đầu tiên là sổ tiết kiệm VND, vàng hoặc nhà mặt tiền ở các quận trung tâm, sau đó mới đến máy móc, nhà xưởng. Riêng hàng tồn kho thì rất hạn chế. Mặt khác, định giá cũng phải thấp để đảm bảo an toàn cho NH.
Cần công khai mức lãi suất cho vay
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM, dự kiến trung tuần tháng 7-2012 UBND TP sẽ có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trong đó nội dung sẽ xoay quanh việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các thành viên trong hệ thống ngân hàng công bố lãi suất của từng lĩnh vực, từng ngành hàng, cũng như các chương trình, thông tin về các vấn đề liên quan đến lãi suất đến các hiệp hội, doanh nghiệp được rõ.
Bà Hồng cho rằng khi các hiệp hội, doanh nghiệp có được các thông tin cụ thể nói trên, họ sẽ tự tìm đến những ngân hàng nào phù hợp với mình để thiết lập quan hệ giao dịch. “Khi các ngân hàng thực hiện việc công bố các thông tin một cách đầy đủ, lúc đó Ngân hàng Nhà nước mới có thể giám sát được hoạt động cho vay có đúng như vậy không” - bà Hồng khẳng định. Lấy ví dụ về thực trạng các ngân hàng hiện chỉ mới chốt lãi suất huy động, còn đầu ra cho vay thì lại thả nổi, chưa kể nhiều khoản phí không tên khác khiến lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao, bà Hồng cho biết UBND TP cũng sẽ đặt vấn đề này với Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng có sự công khai, minh bạch về mức lãi suất cho vay. |
Theo Tuổi trẻ