Theo nghiên cứu của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), trong năm 2014, những lao động di cư tại châu Âu đã gửi 109,4 tỷ USD về quê nhà, giúp hỗ trợ khoảng 150 triệu người trên toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nghiên cứu của IFAD chỉ ra rằng 2/3 số tiền nói trên đã được chuyển về các nền kinh tế đang phát triển, trong đó hầu hết là các nước châu Á và châu Phi;1/3 còn lại được gửi về các nước trong khu vực châu Âu, như các nước nghèo hơn tại Đông Âu.
Báo cáo của IFAD nhận định những lao động di cư có thể giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế tại quê hương mình.
Đối với những quốc gia đối mặt với thảm họa thiên nhiên, bất ổn chính trị và khó khăn kinh tế, lượng kiều hối gửi về từ nước ngoài không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân mà còn bước đầu giải quyết khó khăn trong thời điểm khẩn cấp.
Để gia tăng lợi ích cho cả người gửi và người nhận, IFAD gợi ý rằng chi phí chuyển tiền có thể được giảm bớt.
Năm 2009, lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã đặt mục tiêu giảm chi phí chuyển tiền xuống 5%, qua đó giúp người lao động di dân tiết kiệm được thêm 2,5 tỷ USD.
Năm ngoái châu Âu đã chứng kiến một lượng lớn người dân di cư đổ vào lục địa này, với con số ước tính trên 100.000 người, trong đó có tới 1.800 người đã thiệt mạng trong nỗ lực đặt chân tới Lục địa già.
theo Vietnam+