Thời gian này, lượng kiều hối chuyển về nước đang tăng mạnh. Theo dự báo, năm nay kiều hối của cả nước có thể đạt doanh số 10 tỷ USD.
Thời gian này, lượng kiều hối chuyển về nước đang tăng mạnh. Theo dự báo, năm nay kiều hối của cả nước có thể đạt doanh số 10 tỷ USD.
Ngân hàng tung chiêu hút kiều hối
Thông thường, từ quý III đến Tết Nguyên đán là thời điểm lượng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh so với các tháng còn lại trong năm. Sở dĩ kiều hối thường về mạnh trong những tháng cuối năm, do kiều bào ở nước ngoài muốn gửi tiền cho người thân trong nước chi tiêu dịp Tết Nguyên đán.
Nắm bắt thời cơ này, các ngân hàng, công ty kiều hối cũng như hệ thống đại lý chuyển tiền ngoài ngân hàng đã và đang đưa ra các sản phẩm, dịch vụ chuyển tiền nhanh với nhiều ưu đãi, mang tính cạnh tranh nhằm thu hút nguồn kiều hối trong mùa kinh doanh cuối năm.
3 ngân hàng nổi tiếng trong việc thu hút kiều hối là Đông Á, Vietcombank và Sacombank đang đua nhau tung ra những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.
Vietcombank đang có chương trình tặng tiền trực tiếp vào tài khoản của khách.
Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang tung giải thưởng là những chuyến du lịch nước ngoài. Theo lãnh đạo Sacombank, lượng kiều hối chuyển qua Sacombank từ đầu năm 2012 đến nay đã tăng 17%, đạt gần 1,3 tỷ USD. Hiện Sacombank đang tập trung khai thác thị trường Mỹ, Úc, Canada... Ước tính, lượng kiều hối chuyển qua Sacombank có khả năng sẽ đạt 1,6 - 1,7 tỷ USD như kế hoạch đặt ra.
Còn Công ty Kiều hối Đông Á (của Ngân hàng Đông Á) thì công bố giải thưởng bằng vàng cho khách bốc thăm may mắn. Lãnh đạo Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn khó khăn, song với doanh số kiều hối chi trả qua Công ty 8 tháng đầu năm thì nhiều khả năng, Công ty sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2012. Hiện doanh số chi trả của Công ty đã đạt trên 1 tỷ USD, trong đó lượng kiều hối từ các thị trường Mỹ, Canada, Úc chiếm hơn 60% doanh số mà Công ty chi trả. Ngoài ra, doanh số kiều hối từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều lao động người Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chiếm tỉ lệ lớn.
Kiều hối sẽ đạt 10 tỷ USD
Nhiều chuyên gia dự báo, năm nay kiều hối của cả nước có thể đạt doanh số 10 tỷ USD, tăng hơn 10% so với mức 9 tỷ USD của năm 2011.
Riêng tại TP. HCM, đến cuối tháng 9, doanh số chi trả kiều hối qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3 tỷ USD. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, lượng kiều hối khu vực TP. HCM trong năm nay vào khoảng 3,4 tỷ USD, so với mức 3,2 tỷ USD của năm 2011.
Theo lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank, so với nhiều năm trước, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư có phần giảm nhẹ vì lãi suất tiền gửi USD đã giảm từ 4-5%/năm xuống còn 2%/năm; thị trường chứng khoán, nhà đất chưa có dấu hiệu hồi phục… Tuy nhiên, doanh số kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động lại tăng lên nhờ vào chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ngày càng mở rộng.
Thống kê cho thấy, hiện có trên 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 400.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống, làm việc tại 101 quốc gia khắp thế giới. Mỗi lao động xuất khẩu chỉ cần gửi về cho người thân 2.500 USD/năm thì doanh số kiều hối từ lao động nước ngoài đã lên tới 1 tỉ USD/năm, góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.
Theo một chuyên gia kinh tế là thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, các nước trong khu vực Đông Á, Bắc Mỹ, Australia vẫn là những thị trường kiều hối tiềm năng của Việt Nam. Ông cho rằng, lượng kiều hối năm nay tăng, một phần còn do những cải tiến trong giao dịch khiến thời gian tiến hành nhanh và thuận tiện hơn nhiều so với trước.
Ngoài ra, do lãi suất tiền gửi ở một số nước thấp (tại Mỹ chỉ khoảng 0,35%/năm) trong khi lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn rất nhiều, cho nên ngoài việc chuyển tiền về trợ giúp cho người thân, không ít kiều bào vẫn chuyển tiền về nhờ người nhà gửi ngân hàng để sinh lời.
Do tỉ giá ổn định nên người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang VNĐ, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên, góp phần ổn định tỉ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 6,4 tỷ USD, dự báo năm 2012, cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư, trong đó có phần đóng góp từ kiều hối.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu năm 2012, doanh số kiều hối đạt được 10 tỷ USD thì nguồn ngoại tệ này đã nhiều gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu gạo (khoảng 3,5 tỷ USD/năm) và tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến của năm 2012 là 108 tỷ USD, đóng góp một phần không nhỏ cho cán cân thanh toán quốc tế.
Theo Vietnamnet