Thời gian qua, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã không ngừng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của từng khu vực ở nơi đây. Xây dựng hình ảnh, mẫu mã các sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, vươn đến nhiều thị trường trong và ngoài địa phương, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Với mục đích, phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường nông thôn, tiến đến xây dựng NTM đi vào chiều sâu.
Qua tìm hiểu, huyện Kim Bôi cách thành phố Hòa Bình gần 40km với 16 xã, 1 thị trấn. Hiện, huyện đang duy trì trên 200ha diện tích sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, GlobaGAP đối với cây ăn quả có múi, thanh long, rau, dược liệu…
Trên địa bàn có 2 cơ sở đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn ISO 22000-2018 gồm: HTX Greenlife xóm Thượng Tiến, xã Hợp Tiến và Công ty măng Kim Bôi. Địa phương hỗ trợ cấp mới 5 mã số vùng trồng nội địa cho 4 tổ chức, cá nhân gồm các loại cây trồng thanh long, bưởi, cam (12 ha); hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và New Zealand cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thương Mại Mường Động....
Bà Nguyễn Thị Minh Anh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Hiện, đến thời điểm này toàn huyện hiện có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu ban hành Kế hoạch hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2024 cho từ 2 - 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đánh giá lại 3 sản phẩm đã hết hạn từ 31/12/2023 (Bưởi Mường Động, Tinh dầu sả chanh, Nhãn Sơn Thủy). Đến nay, toàn huyện có tổng số 38 HTX nông lâm nghiệp, trong đó có 6 HTX có sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; 1 HTX có sản phẩm OCOP 4 sao; 6 HTX có sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 7 HTX ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong trồng trọt như nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, 2 HTX được cấp mã vùng trồng xuất khẩu…
Với lợi thế về tài nguyên nước, đất đai phù hợp cho các sản phẩm của từng địa phương. Huyện tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP bền vững, lâu dài, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, huyện Kim Bôi còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân duy trì, phát triển các sản phẩm chất lượng, thương hiệu theo hướng vùng sản xuất tập trung, phương pháp hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất có hại đến vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Đặc biệt, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất như: Xây dựng và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các bên Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Tổ hợp tác với nông dân gồm: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ Ớt Chỉ địa với quy mô 9ha tại các xã: Đú Sáng, Bình Sơn, Hợp Tiến; Chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn tại xã: Bình Sơn, Đú Sáng ; Chuỗi liên kết trồng khoai tây vụ Đông phục vụ chế biến tại các xã: Sào Báy, Xuân Thủy; chuỗi liên kết cây lấy hạt tại các xã trên địa bàn huyện... Doanh thu các chuỗi liên kết đạt từ 150 – 300 triệu đồng/ha/vụ.
Để thực thế trải nghiệm tìm hiểu các quy trình, kỹ thuật chăm sóc tạo ra các sản phẩm OCOP chất lượng trên địa bàn huyện Kim Bôi, Phóng viên đã đến thăm mô hình trồng cây ăn quả có múi tại HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động ở xóm Bãi Chạo, xã Tú Sơn.
Qua câu chuyện với giám đốc HTX được biết, HTX Nông nghiệp và Thương mại Mường Động thành lập năm 2014 với 26 thành viên liên kết, có diện tích hơn 100 ha. Các sản phẩm của HTX chủ yếu là cam, bưởi được trồng và chăm sóc theo quy trình hữu cơ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Trung Huân - Giám đốc HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động cho biết: Những năm qua, HTX đã và đang tạo dựng thương hiệu cam Mường Động, đây là sản phẩm được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022. Vụ vừa qua, HTX đã thu được trên 100 tấn quả cam, bưởi bán với giá trung bình 15.000 đồng/kg thu trên 1,5 tỷ đồng.
“Riêng của gia đình có hơn 8ha cam các loại, vụ vừa qua thu trên 40 tấn quả hơn 600 triệu đồng. Từ hướng đi này, HTX không những có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khá lên mà còn tạo dựng được thương hiệu cam Mường Động riêng của địa phương. Sản phẩm cam của HTX có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đã được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng của Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước…”, ông Huân cho biết thêm.
Được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến (xã Hợp Tiến) là 1 trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Kim Bôi. Nhờ chú trọng cải tiến quy trình, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường, được khách hàng gần xa tin tưởng, ưa chuộng.
Anh Đinh Văn Thuần, chàng thanh niên 9X đại diện HTX Green Life chia sẻ: HTX 11 thành viên, với gần 6.000 đàn ong nuôi chủ yếu trong rừng… Nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, trong đó, phần lớn các thành viên HTX là những thanh niên 8X, 9X có chung sở thích, mong muốn xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đến với thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.
Hiện sản phẩm mật ong của HTX không những được tiêu thu rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản… Sản lượng mật ong của HTX đạt 60.000 lít/năm, tổng thu nhập trên 12 tỷ đồng/năm. Với những kết quả tích cực của HTX đã góp phần tăng thu nhập tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương.
Huyện Kim Bôi cũng là huyện có thế mạnh dồi dào về nguồn nước khoáng mà ít nơi nào có được. Tận dụng nguồn lực đó, Công ty CP Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi đã mạnh dạn đầu tư dây truyền đóng chai thủy tinh công suất 30 triệu chai/năm. Sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2023 và ngày càng nâng cao, khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Đại diện Công ty ông Vũ Hải Phòng chia sẻ: Công ty cổ phần Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi là đơn vị được phép khai thác nguồn tài nguyên Nước khoáng Kim Bôi. Thành lập từ năm 1974, tiền thân là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hoà Bình, sau một số lần chuyển đổi, đến năm 1998, Công ty cổ phần Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi được thành lập.
Hiện, Công ty là đơn vị lớn nhất trên địa bàn sản xuất, cung cấp Nước khoáng Kim Bôi với công suất 10 triệu chai/năm. Thương hiệu Nước khoáng Kim Bôi, sản phẩm 100% của Việt Nam đã nhiều năm gắn bó và nhận được sự tin cậy, ủng hộ của đông đảo khách hàng trong cả nước.
Phương hướng thời gian tới, huyện Kim Bôi phấn đấu mỗi năm phát triển thêm từ 3 - 4 sản phẩm OCOP mới và tiếp tục chỉ đạo thành lập các HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ để khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế, nguồn lực sẵn có trong phát triển quy mô, đa dạng sản phẩm OCOP của địa phương. Củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng thế mạnh của huyện, như: Khoáng nóng Kim Bôi, trồng cây ăn quả có múi, phát triển dịch vụ - du lịch...; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm cây ăn quả, chăn nuôi, để tiêu thụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Thanh Phong - A Trứ - Vũ Cừ/ VP Tây Bắc
Theo KT&ĐU