Tính đến hết tháng 4/2023, Việt Nam có 3 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, bao gồm rau quả, cà phê và gạo.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng nông sản rau quả, cà phê và gạo đạt 4,52 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 716.580 tấn cà phê, đạt 1,62 tỷ USD, giảm lần lượt 5,5% và 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tăng trưởng tới 3 con số như Thái Lan +213% so với cùng kỳ năm 2022, Rumani với 123%, Algeria với 103%, Mexico với 583%, Myanmar với 111%, New Zealand với 105%, Chile với 159%.
Tuy nhiên, một số thị trường trên hiện vẫn chưa phải thị trường chủ lực của cà phê Việt Nam khi kim ngạch còn ở mức nhỏ, do vậy sự tác động lên tăng trưởng trị giá xuất khẩu chưa cao. Cụ thể, trị giá xuất khẩu cà phê sang Myanmar đạt 4,9 triệu USD, New Zealand đạt 1,7 triệu USD, Rumani đạt 3,7 triệu USD và Chile đạt 3,1 triệu USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam là Đức ghi nhận giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 205 triệu USD; Nhật Bản giảm 10,8%, đạt 98 triệu USD; Bỉ giảm 53%, đạt 74 triệu USD; Tây Ban Nha giảm 29%, đạt 81 triệu USD… Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Mỹ tăng 16,3%, đạt 120 triệu USD; Italy tăng 20,3%, đạt 148 triệu USD; Nga tăng 56,3%, đạt 95,8 triệu USD…
Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long và vải thiều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất với 804 triệu USD, tương ứng chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với 72,6 triệu USD; tiếp đến là Nhật Bản với 54 triệu USD; Hà Lan với 45 triệu USD; Thái Lan với 30,3 triệu USD…
Trong tổng số 27 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan và Lào có mức tăng trưởng cao nhất với +72% và +56% so với cùng kỳ năm 2022, đạt lần lượt 45 triệu USD và 14,5 triệu USD. Ngược lại, Campuchia là thị trường có mức giảm lớn nhất với -60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 10,1 triệu USD; tiếp đến là thị trường Hong Kong với -34%, đạt 11,6 triệu USD…
Tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này tăng tới 29,9% so với cùng kỳ năm 2022, từ 619 triệu USD (cùng kỳ năm 2022) lên 804 triệu USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ra thế giới tăng trưởng 2 con số (bất chấp việc có 12/27 thị trường xuất khẩu rau quả ghi nhận suy giảm).
Chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều là các loại quả mà Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng và chuối. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài. Ngoài 9 loại quả kể trên, Việt Nam còn được phép xuất khẩu mít và chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt 1,52 tỷ USD với 2,8 triệu tấn gạo, tăng lần lượt 51% và 40% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này diễn ra ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Philippines đạt 1,28 triệu tấn với 647 triệu USD, tăng lần lượt 40% và 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, tại thị trường Indonesia, mức tăng trưởng về lượng và trị giá lần lượt đạt +2.497% và +2.533% so với cùng kỳ năm 2022. Tương ứng tăng từ 11.799 tấn (cùng kỳ năm 2022) lên 306.496 tấn và từ 5,66 triệu USD lên 149 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của Việt Nam đạt 292 triệu USD, tăng 88%; sang Malaysia đạt 77 triệu USD, tăng 43%... Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Bangladesh ghi nhận giảm tới 70%, chỉ còn đạt 0,11 triệu USD; tiếp đến là Bờ Biển Ngà với 49%, đạt 45 triệu USD; Pháp giảm 27%, đạt 0,8 triệu USD…
Bảo An
Theo Kinh tế và Đồ uống